Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chiều 7-5, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên làm Trưởng đoàn đến làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, những năm qua, Sở KH&ĐT chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức quản lý nhà nước về quy hoạch, KH&ĐT phát triển; thu hút các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; kết quả xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, văn bản của HĐND, UBND tỉnh về thu hút, thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước…

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo đó, trong công tác lập Danh mục dự án mời gọi đầu tư đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2018, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án, đạt 23% (trong đó, có 13 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án; 4 dự án chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án) và 57 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, chiếm 77%.

Năm 2022, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 18 dự án, đạt 30,5% (trong đó, có 5 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án; 13 dự án chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án) và 41 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, chiếm 69,5%.

Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Trên cơ sở Danh mục dự án mời gọi đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt, Sở KH&ĐT đều có văn bản hướng dẫn cũng như nhắc nhở các sở, ngành tỉnh và địa phương lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi tổ chức đấu thầu/đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.

Tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 76 dự án, với tổng diện tích đất 3.727.064 m2, tổng số vốn đăng ký đầu tư 26.396,95 tỷ đồng.

Trong đó, có 39 dự án đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất 1.488.965 m2, tổng số vốn đầu tư 10.320 tỷ đồng; có 7 dự án đầu tư đang trong quá trình xây dựng; 1 dự án đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, thuê đất và đang thực hiện các thủ tục đầu tư; có 21 dự án đầu tư đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng; có 10 dự án đầu tư đang bị thu hồi chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư…

Nhìn chung, các dự án triển khai mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh được dựa trên cơ sở sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KH&ĐT cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được còn không ít khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn vói việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Nhiều dự án có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai thực hiện được do quy định pháp luật thay đổi làm ảnh hưởng đến tiến độ mời gọi đầu tư; nhiều dự án có trong quy hoạch sử dụng đất nhưng nhà đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính; nhiều dự án nhà đầu tư đề xuất nhưng chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phải đợi đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn sau mới triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng dự án, giao đất, cho thuê đất còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng các đại biểu đã phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những hạn chế còn tồn tại; đồng thời, gợi mở đề xuất một số giải pháp để ngành KH&ĐT nghiên cứu tháo gỡ trong thời gian tới.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Nguyên đánh giá cao Sở KH&ĐT đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang ngày càng có vị thế rõ nét hơn góp phần tạo thêm điểm sáng trong bức tranh kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tỉnh cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Sở KH&ĐT. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục khắc phục.

Đồng chí đề nghị, thời gian tới, lãnh đạo Sở KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát hoàn chỉnh đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành gắn với quy hoạch chung của tỉnh. Từ đó tổ chức công khai các quy hoạch chuyên ngành bằng nhiều kênh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết đến, tạo điều kiện để các nhà đầu tư biết đến các dự án mời gọi ngày càng nhiều hơn.

Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định có liên quan về quy hoạch sử dụng đất gắn với mời gọi các dự án đầu tư, nhất là những nội dung còn chồng chéo, còn ý kiến khác nhau, những quy định gây hiểu nhầm giữa các đơn vị, địa phương để kiến nghị về Trung ương tháo gỡ; tập trung nghiên cứu xây dựng số hóa bộ thủ tục mời gọi đầu tư nhằm tăng hiệu quả mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian tới…

Ngoài ra, đồng chí cũng lưu ý, lãnh đạo sở quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thu hút đầu tư, công tác thu hồi đất, làm sao tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về quyền lợi của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...

HOÀI THU

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/doan-giam-sat-hdnd-tinh-tien-giang-lam-viec-voi-so-ke-hoach-va-dau-tu-1009839/