ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN: NHỮNG DẤU ẤN TRÊN NGHỊ TRƯỜNG

Năm 2022 được đánh dấu là năm tiếp tục có nhiều đổi mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử, trong đó có Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên. Với trách nhiệm cao đối với cử tri, Đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, thực hiện tốt công tác phối hợp tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

LÃNH ĐẠO ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN DỰ LỄ GIAO NHẬN QUÂN NĂM 2023

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Như Ý)

Các vị ĐBQH trong Đoàn đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH. Từng đại biểu đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện ở việc thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp công dân; bám sát thực tiễn, phát hiện nhiều vấn đề cấp thiết và bức xúc trong đời sống xã hội để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan. Tại các kỳ họp, các ĐBQH trong Đoàn đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, công tâm, phát huy cao trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong thảo luận, quyết định chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước.

Công tác xây dựng pháp luật là hoạt động luôn được Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên quan tâm, đặc biệt trong việc tìm hiểu các vướng mắc, khó khăn qua thực tiễn thi hành để tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật được Đoàn tổ chức với nhiều hình thức khác nhau để lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các bậc cử tri; đồng thời, chú trọng việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lấy ý kiến vào 08 dự án luật trình tại Kỳ họp thứ ba, 10 dự án luật trình tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Đối với những dự án luật có tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến và nhận được 28 báo cáo với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người có kinh nghiệm thực tiễn ở các cơ quan Trung ương, địa phương. Đây là một trong những hoạt động thể hiện sự đổi mới, trách nhiệm cao của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trong năm 2022.

Các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quang Khánh)

Các chương trình giám sát đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên triển khai, thực hiện hiệu quả với cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, kế hoạch, nội dung giám sát được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Việc giám sát dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau như: Ý kiến của cử tri, phản ánh của báo chí, báo cáo của các cơ quan hữu quan... giúp cho đánh giá trong báo cáo kết quả giám sát khách quan, toàn diện hơn. Cùng với đó, các vị ĐBQH trong Đoàn đã tích cực thực hiện việc giám sát qua các báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương trình tại các kỳ họp. Trong năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 06 cuộc giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó đã kiến nghị 33 nội dung đối với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, 11 nội dung đối với HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời xây dựng kế hoạch 03 cuộc giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng ngày 03/11/2022 (Ảnh: Thu Hoài)

Tại diễn đàn Quốc hội, các vị đại biểu đã đi sâu phân tích, đánh giá, ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành.

Để kịp thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường tiếp xúc cử tri trực tiếp, tiếp xúc theo chuyên đề, kết hợp hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp với tiếp xúc cử tri trực tuyến. Năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 20 cuộc tiếp xúc cử tri, kết hợp trực tiếp và trực tuyến với gần 11 nghìn cử tri tham dự. Qua đó, Đoàn đã gửi 67 ý kiến thuộc thẩm quyền Trung ương, 24 ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, để kịp thời nắm bắt và phản ánh, truyền tải ý kiến, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị và cử tri tới Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các địa phương thông qua thực tiễn công tác điều hành chỉ đạo ở cơ sở để tổng hợp gửi Đoàn ĐBQH tỉnh những vấn đề cần phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đến nay, các ý kiến, kiến nghị cử tri đang được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh xem xét, trả lời. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo dõi việc trả lời kiến nghị của cử tri, tập hợp, sao gửi văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri đến Ủy ban MTTQ, HĐND, UBND các cấp để thông tin đến các bậc cử tri.

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng ngày 03/11/2022 (Ảnh: Thu Hoài)

Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và theo dõi việc giải quyết đơn của công dân được thực hiện thường xuyên theo quy định. Đến hết tháng 11-2022 đã có 66 lượt/21 người/21 vụ việc công dân đến trình bày, phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận 88 đơn của công dân. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri chủ yếu liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, tư pháp, quy hoạch đô thị, chế độ chính sách... Qua theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư của các cơ quan có thẩm quyền, cơ bản các ý kiến, kiến nghị, đơn thư của công dân đều được các cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lời và giải quyết theo quy định.

Có thể nói, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn trên nghị trường; tham gia quyết định các chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=73120