Đô la hóa gây khó khăn cho ổn định kinh tế vĩ mô

(LĐO) - Ở VN hiện có tỉ lệ sử dụng đồng “đô la” trong thanh toán chiếm khoảng 20%. Các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng con số này vẫn là khá cao.

Hiện tượng này sẽ gây nhiều khó khăn cho Chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế nói chung, trong chính sách ổn định tỉ giá nói riêng. Đây là nhận định của các chuyên gia ADB tại buổi công bố nghiên cứu có tiêu đề “Giải quyết vấn đề đa tiền tệ tại các nền kinh tế chuyển đổi” sáng 15.10 "Đô la Mỹ vẫn được dùng như như một phương tiện cất giữ giá trị, hệ quả là một phần lớn tiền gửi trong hệ thống ngân hàng là đô la Mỹ", một chuyên gia nhận định. Theo ADB con số 20% của VN được cho là đô la hóa một phần và được các chuyên gia đánh giá là VN đã có nỗ lực rất lớn trong việc hạn chế hiện tượng này. Song so với các nước khác và so với mục tiêu phấn đấu của VN nhằm giảm tình trạng đô la hóa như Ngân hàng Nhà nước tuyên bố thì vẫn còn khá cao. Ông Jayant Menon, chuyên gia cao cấp của Vụ Hội nhập Kinh tế khu vực của ADB cho biết, hiện tượng này có thể tạo nguyên tắc cho chính phủ vì khi đó chính phủ sẽ không thể dễ dàng tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua việc in tiền mà chỉ bằng biện pháp tăng thuế. Hơn nữa, đô la hóa sẽ dẫn tới hiện tượng tỉ giá gần như cố định và do đó giá cả sẽ ổn định hơn. “Quá trình đô la hóa làm giảm hiệu quả của các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tỉ giá, tiền tệ mà các nước như VN cần có để giải quyết các thách thức kinh tế và phát triển như tỉ lệ lạm phát gia tăng. Việc điều chỉnh các cú sốc bên ngoài cũng có thể kéo dài hơn và khó khăn hơn khi xuất hiện hiện tương đô la hóa, thậm chí chỉ một phần hiện tượng này”, ông Jayant Menon nói. Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Koinishi, các giải pháp hành chính không thôi sẽ không thể đạt hiệu quả làm giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế của Việt Nam. Điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với đồng tiền VN thông qua tăng tưởng kinh tế cao và bền vững, ổn định tỉ giá, cải cách chính sách tiền tệ và tăng cường năng lực của các thể chế tài chính. “Sự tăng giá của vàng (trong mối tương quan tới tỉ giá) đều có liên quan tới niềm tin của người dân đối với kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là Chính phủ và các nhà quản lý phải cải thiện được tính minh bạch, cổ phần hóa và cải cách các DN nhà nước để tạo niềm tin”, quan chức ADB nói. Theo chuyên gia Jayant Menon, hiện tượng đô la hóa không phải là vấn đề mà chỉ là triệu chứng. Vấn đề là do thiếu sự tin tưởng vào đồng nội tệ, còn triệu chứng hoặc tác động của nó là việc sử dụng đồng tiền khác như đô la Mỹ. Trong ngắn hạn, VN cần tăng động lực tiết kiệm bằng tiền Đồng thay vì đô la hay vàng; giảm các biến động đột xuất hoặc sự bất ổn tỉ giá ngắn hạn. Về dài hạn, cần phải xây dựng được lòng tin của người dân qua việc xây dựng thể chế; thực thi pháp luật hiệu quả; phát triển và làm sâu sắc khu vực tài chính; cải cách DN nhà nước. Cũng liên quan đến vấn đề ngoại hối, theo ADB mức an toàn về dự trữ ngoại hối của VN được cho là phải tương đương 12 tuần nhập khẩu (khoảng 21 tỉ USD). Song khi thực trạng hiện nay là ....chỉ tương đương 2 tháng (tức là 8 tuần). Chuyên gia của ADB cho rằng, con số này đưa ra dựa trên thông tin mà họ có được khi cập nhật về sự phát triển của nền kinh tế Đông Á và VN cách đây 2 tuần. Sự khó khăn của tình trạng ngoại hối của VN là do VN chịu sự thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai. Điều này đã tác động không nhỏ tới tỉ giá của đồng VN trong thời gian qua. Giám đốc quốc gia ADB tại VN cũng cho biết đã quan sát khá chặt chẽ tỉ giá giữa hai thị trường chính thức và “chợ đen” và thấy rằng khoảng cách giữa hai thị trường này đang được nới rộng dần đặc biệt từ tháng 3 – 6 và gần đây càng được nới rộng hơn nữa. ADB cho rằng, tăng trưởng về dự trữ ngoại hối chứng tỏ sự hồi phục của nền kinh tế VN đang được củng cố vững chắc, sự phát triển của kinh tế ổn định hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã tăng thêm 1 tỉ USD vào dự trữ ngoại hối nhờ mua ròng ngoại tệ từ các Ngân hàng và các nhà xuất khẩu trong nước. Điều này sẽ giúp cải thiện hơn quỹ dự trữ ngoại hối của VN. Lưu Thủy

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/do-la-hoa-gay-kho-khan-cho-on-dinh-kinh-te-vi-mo/16868