Điều kiện 'cần và đủ' của sinh viên ngành ngân hàng

Ngân hàng là một trong những ngành thu hút sự quan tâm của không chỉ sinh viên tốt nghiệp ngành này mà cả sinh viên trái ngành.

Sinh viên Khoa Ngân hàng đi tham quan thực tế tại Ngân hàng Shinhanbank. Ảnh: NTCC

Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu việc làm đặt ra, bản thân mỗi sinh viên trong quá trình học tập ngoài rèn luyện kiến thức còn phải tích cực trau dồi nhiều kỹ năng khác.

Chủ động tìm kiếm và nắm bắt cơ hội

Phạm Thị Anh Thư là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của Học viện Ngân hàng năm 2023, hiện đang làm việc tại Công ty kiểm toán PwC Việt Nam. Cô chia sẻ: “Đối với sinh viên đang học tại trường, các bạn nên bám sát chương trình giảng dạy của thầy cô, nỗ lực hoàn thành tốt môn học, trong quá trình học cần chủ động hỏi và trao đổi về những gì mình còn vướng mắc. Thầy, cô chính là những người đầu tiên dẫn dắt, hỗ trợ, cố vấn cho mình những bước đi đầu tiên trong thời gian học đại học.

Cùng với sự chăm chỉ, nghiêm túc học tập, khi nhà trường tổ chức cho tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, các bạn nên tận dụng tối đa những cơ hội được tiếp cận thực tế để quan sát, học hỏi kinh nghiệm từ những người đang làm thực việc. Từ đó, các bạn sẽ hình dung được công việc sau khi ra trường và biết rõ mình cần phải làm gì”.

Theo Anh Thư, trong khoảng thời gian bốn năm đại học, các sinh viên rất nên tham gia các câu lạc bộ chuyên ngành, câu lạc bộ sở thích để tích lũy kỹ năng mềm, tăng cường hoạt động làm việc nhóm, xử lý tình huống cụ thể trong đời sống. Đây thực sự là môi trường hữu ích để trao đổi với anh, chị khóa trên về các bài tập, môn học mà mình chưa hiểu hoặc gặp khó khăn.

Với vai trò là người đồng hành, sát sao cùng sinh viên các khóa học, TS Phạm Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết: “Đối với sinh viên Khoa Ngân hàng nói riêng và sinh viên của toàn Học viện nói chung, chúng tôi luôn xây dựng chương trình đào tạo sát với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động hiện nay, nhằm giúp các em sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm phù hợp với năng lực”.

Nhà trường cũng tạo nhiều cơ hội để sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu học tập cho bản thân. Trong quá trình học tập ở trường, bắt đầu từ năm thứ 2, sinh viên được giới thiệu hoặc gửi đi thực tế (bank tour) tại các ngân hàng để quan sát, tìm hiểu cách thức làm việc cũng như dần xây dựng, mở rộng các mối quan hệ ngoài thực tiễn đời sống.

“Các cơ hội thực tập, kiến tập tăng dần với năm thứ 3, 4 để các em nhanh chóng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn mời các chuyên gia, nhà quản lý về thỉnh giảng, trao đổi kinh nghiệm với sinh viên. Đặc biệt trong các ngày hội việc làm do trường tổ chức, sinh viên có cơ hội được tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội thử sức hoặc hợp tác với các nhà tuyển dụng để tham gia phỏng vấn tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân”, TS Phạm Thu Thủy lý giải.

Thực tế cho thấy, nhóm sinh viên Khoa Ngân hàng tốt nghiệp ra trường khá thuận lợi trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Đa số các cử nhân Khoa Ngân hàng có việc làm đúng chuyên ngành trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

TS. Phạm Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng. Ảnh NVCC.

Lời khuyên của nhà tuyển dụng

Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, “Qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy rằng sinh viên hiện nay có nền tảng kiến thức, có thái độ làm việc tốt.

Một trong những yếu tố để sinh viên có được điều đó chính là các bạn đã được nhận sự giảng giải và hỗ trợ của thầy, cô thông qua những kiến thức, kỹ năng mang tính thực hành, thực tế nhiều. Đặc biệt, các nhà trường đã đầu tư, liên kết với hệ thống các ngân hàng, doanh nghiệp để cho sinh viên được thực tập, kiến tập từ sớm, vì vậy, các bạn trẻ được rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, có sự nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội”.

Phân tích những thế mạnh đó, bà Quỳnh Giao cũng đồng thời lưu ý các sinh viên ngành ngân hàng, “trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, tôi hi vọng các em có thêm nhiều cơ hội tốt, nhưng để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động thì người học ngành này cần trau dồi thêm một số năng lực như kỹ năng ứng xử giao tiếp, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng quan sát, chủ động trong công việc”.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc khối Quản trị Nguồn nhân lực, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chia sẻ: “Đối với sinh viên đang theo học ngành ngân hàng, các bạn ngoài trau đồi kiến thức, cần trang bị cho mình tinh thần ham học hỏi, không ngại khó khăn.

Ở mỗi vị trí tuyển dụng, các nhà tuyển dụng đều quy định rõ về các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng mềm khác, do đó sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm trong các bản tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để các bạn lưu ý trong quá trình học tập để rèn luyện, đáp ứng được những yêu cầu “cần và đủ” mà nhà tuyển dụng đưa ra”.

“Học viện Ngân hàng là một trong những nguồn cung ứng nhân lực có chất lượng và nhiều tiềm năng cho BIDV. Hiện tại, BIDV có khoảng 13% cán bộ đã từng tốt nghiệp các chương trình đào tạo của Học viện. Họ có nền tảng kiến thức về nghiệp vụ ngân hàng tốt, tiếp cận nhanh với công việc thực tế.

Đặc biệt, chúng tôi luôn ưu tiên các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc được đặc cách vào phỏng vấn mà không cần thi viết nghiệp vụ. Nhiều năm gần đây, chúng tôi đã thường xuyên hợp tác với nhà trường trao nhiều học bổng để khích lệ sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết.

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-kien-can-va-du-cua-sinh-vien-nganh-ngan-hang-post656779.html