Điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng số vốn đầu tư dự án

Góp ý về điều kiện đối với tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản tại Điều 9, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, khoản 2 điểm d dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thông qua dự án bất động sản phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng số vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 hecta, không thấp hơn 15% tổng số vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 hecta trở lên.

Đại biểu đề nghị điều chỉnh tỷ lệ vốn chủ sở hữu một mức thống nhất không thấp hơn 20% tổng số vốn đầu tư của dự án và không phân biệt quy mô sử dụng đất để tránh tình trạng vốn mỏng, thiếu khả thi trong phương án tài chính và nhằm phù hợp với quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, quy định như vậy sẽ tránh ình trạng lách luật như xây dựng dự án bất động sản có diện tích 19,99 hecta để có vốn góp tối thiểu là 15%.

Về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 điểm b Điều 14, đại biểu đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý của tranh chấp, vì thực tế có lợi nhuận của quy định này để vi phạm quyền dân sự của người khác.

Theo quy định về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trường hợp tranh chấp mà khởi kiện ra Tòa án, Tòa án có thông báo thụ lý nhưng chỉ khi tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đó bất động sản mới bị ngăn chặn giao dịch.

Tại điểm c quy định: không bị kê biên để đảm bảo thi hành án nhưng theo quy định của pháp luật, có trường hợp chưa ra quyết định kê biên tài sản mà thi hành án đã ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thì bất động sản trong thời điểm đó cũng không đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Do đó, đại bỉeu đề nghị rà soát quy định về điều kiện bất động sản đưa vào kinh doanh của dự thảo này để quy định lại cho phù hợp và thống nhất với Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự…

Về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản ở Điều 17 khoản 3, đại biểu cho rằng quy định thời gian gần hai tháng là quá dài, đề nghị rút ngắn thời gian này xuống còn 20 ngày hoặc là 30 ngày, nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên mua, bên thuê mua.

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai tại khoản 3, Điều 23, đại biểu nhất trí với Phương án 1, nhằm đảm bảo việc đặt cọc được thực hiện khi bất động sản đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, các điều kiện để bất động sản đưa vào kinh doanh đã được quy định chi tiết cụ thể ở Điều 24 của luật này. Bên cạnh đó quy định như vậy có thể kiểm soát được hành hành vi huy động vốn trái pháp luật của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho khách hàng, hạn chế phát sinh tranh chấp trong tương lai, cũng là cách đánh giá được năng lực của chủ đầu tư để đưa dự án đó vào kinh doanh một cách phù hợp...

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dieu-chinh-ty-le-von-chu-so-huu-khong-thap-hon-20-tong-so-von-dau-tu-du-an-196063.htm