Điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025

Sáng nay (4/1), Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.

Cuộc họp được truyền trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trên cơ sở số liệu thống kê đất đai năm 2022, kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ trung bình thấp (8,68%). Kết quả thực hiện các loại đất giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, một số tỉnh có kết quả thực hiện cao và nhiều tỉnh chưa thực hiện hoặc thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp. Đối với chỉ tiêu đất khu công nghiệp, trung bình đạt 4,58%; trong đó một số tỉnh có kết quả thực hiện cao (Thái Bình 54%, Bến Tre 42%...); nhiều tỉnh được phân bổ diện tích đất khu công nghiệp lớn nhưng chưa thực hiện hoặc có kết quả thực hiện thấp (Thái Nguyên 1%, Lào Cai 1%, Thanh Hóa 0%...). Chỉ tiêu đất giao thông, trung bình đạt 10,67%...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 giữa các tỉnh tại Quyết định 326/QĐ-TTg, điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu đất phi nông nghiệp theo đề xuất của các địa phương. Đối với đất khu công nghiệp điều chỉnh giảm theo nguyên tắc: Các tỉnh chưa thực hiện điều chỉnh giảm 20%; tỉnh thực hiện dưới 5% điều chỉnh giảm 15% chỉ tiêu đã phân bổ tăng thêm đến năm 2025. Đối với đất giao thông điều chỉnh giảm theo nguyên tắc: Các tỉnh chưa thực hiện điều chỉnh giảm 15%; thực hiện dưới 5% điều chỉnh giảm 10% diện tích đã phân bổ tăng thêm. Đối với chỉ tiêu đất khu công nghiệp ưu tiên bổ sung cho các tỉnh thuộc 4 vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia, vành đai công nghiệp, vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ có lợi thế về kết cấu hạ tầng, có khả năng thu hút đầu tư. Đối với các loại đất phát triển hạ tầng: Ưu tiên bố trí quỹ đất để tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với quy hoạch để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 – 2025.

Tại hội nghị, các địa phương đã đóng góp ý kiến vào phương án điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025. Đối với đất nông nghiệp có 50 tỉnh đề xuất điều chỉnh, giảm 270.030ha so với Quyết định 326/QĐ-TTg; đất phi nông nghiệp có 48 tỉnh đề xuất điều chỉnh (trong đó 2 tỉnh đề xuất giảm 2.945ha...); đất khu công nghiệp có 40 tỉnh đề xuất điều chỉnh, với tổng diện tích tăng thêm 47.344ha… Tỉnh Điện Biên đề xuất điều chỉnh giảm 51ha đất nông nghiệp; tăng 51ha đất phi nông nghiệp; tăng 93ha đất an ninh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị trong quy hoạch đất đai, các địa phương cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; tăng cường hiệu quả sử dụng đất; tính toán ưu tiên các dự án trọng điểm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án quốc gia, dự án có tính khả thi cao. Đồng thời, phải đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương; không điều chỉnh diện tích rừng phòng hộ, khu bảo tồn quốc gia. Đến ngày 10/1/2024, các địa phương, bộ, ngành thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để trình Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét. Sau điều chỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương theo dõi tình hình biến động đất, 6 tháng thực hiện báo cáo đánh giá 1 lần.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/211993/dieu-chinh-ke-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-5-nam-2021-%E2%80%93-2025