Điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp - giải pháp xanh hóa nguồn năng lượng

Chiều ngày 11/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế tổ chức Diễn đàn: 'Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp'.

Tiềm năng khai thác nguồn năng lượng điện mặt trời

Khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho hay, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định, phê duyệt ban hành (ngày 15/5/2023), định hướng rõ chủ trương phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Vì lợi ích quốc gia, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, cũng như đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn đến một số ngành sản xuất, xuất khẩu ở trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà góp phần giảm thiểu lượng than và dầu khí cần thiết để phát điện truyền thống, từ đó giảm được lượng carbon dioxide và các khí nhà kính khác thải ra không khí. Đây là một hành động thiết thực để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng độc lập, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia hay các nguồn nhập khẩu. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống.

Về tương lai lâu dài, điện mặt trời mái nhà còn nâng cao vị thế cạnh tranh. Theo đó, điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, PGS TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, sự phục hồi kinh tế vĩ mô trong quý I/2024 báo hiệu sự khởi sắc về thương mại quốc tế, thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và xuất khẩu của quốc gia.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới đòi hỏi những cam kết sâu rộng và toàn diện bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính thấp. Vì vậy, điện mặt mái nhà đang là nguồn năng lượng xanh hữu ích nhất giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.

Cần xanh hóa nguồn năng lượng

Tại diễn đàn, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đã chia sẻ về những thách thức và lợi thế điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao ưu thế hàng Việt khi xuất khẩu, khi các quốc gia trên thế giới đặt ra các tiêu chuẩn, giới hạn giảm thải carbon, phát thải khí nhà kính.

Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp, giải pháp xanh hóa nguồn năng lượng. Ảnh: TL

Ở góc độ nghiên cứu, PGS TS Nguyễn Anh Thu chia sẻ, để thực hiện quy định điện VIII, hiện Bộ Công thương đã dự thảo nghị định “Quy định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà” phù hợp với quy hoạch hệ thống năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là Bộ Công thương đang đề xuất chỉ ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại hộ dân, công sở, chưa khuyến khích tại các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn như các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghiệp lớn. Bởi điện mái nhà vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, vừa có thể đáp ứng tiêu chuẩn xanh hóa sản xuất.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng, cần mở rộng đối tượng khai thác, sử dụng điện mặt trời, xanh hóa nguồn năng lượng.

Để tận dụng khả năng khai thác nguồn năng lượng này, ông Hoàng Quang Phòng cho hay, doanh nghiệp đề xuất các bộ, ban ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.

Tại hội nghị các chuyên gia kinh tế, đại diện VCCI đề xuất, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, doanh nghiệp đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm: tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...; tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành hoạt động ổn định.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dien-mat-troi-ap-mai-trong-khu-cong-nghiep-giai-phap-xanh-hoa-nguon-nang-luong-148678.html