Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN-BRICS-Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng

13 bài tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước đã đề cập các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ hợp tác ASEAN-BRICS-Liên bang Nga trong bối cảnh mới.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN-BRICS-Nga trong bối cảnh mới.

Chiều 12/4, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế, Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức diễn đàn “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng”.

Tham dự diễn đàn trực tiếp và trực tuyến có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, các tổ chức phát triển, hiệp hội cùng các chuyên gia, học giả đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước…

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Việt Nam và Nga ký kết hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa hai nước, kỷ niệm 300 năm thành lập Viện hàn lâm Khoa học Nga, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội (1974-2024).

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga với ASEAN.

Trong quá trình chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN.

Các ưu tiên bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và tăng cường hợp tác trong khoa học và giáo dục.

Chính vì thế, diễn đàn này hướng tới làm rõ sự tăng cường trao đổi về mối quan hệ và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi và Liên bang Nga; làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam, ASEAN, các nền kinh tế mới nổi với Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng đánh giá thực trạng và tìm giải pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế; cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp chính sách, tài chính, kỹ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tại Việt Nam, ASEAN, các nền kinh tế mới nổi và Liên bang Nga, đặc biệt hướng tới xác định và thảo luận các vấn đề cốt lõi và triển vọng của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai khu vực trong tương lai.

GS.TS. Golovnin Mikhail Yurevic, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Nga, Viện trưởng Viện kinh tế-Viện hàn lâm Khoa học Nga trình bày tham luận “Triển vọng phát triển quan hệ thương mại trong khuôn khổ BRICS +”.

Theo Tham tán, Đại diện thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh, tổng kim ngạch thương mại giữa Nga- ASEAN năm 2023 đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Du lịch của các nước ASEAN cũng hồi phục đáng kể sau đại dịch Covid- 19, thu hút 101,9 triệu du khách năm 2023 tăng 136% so với năm 2022.

Trong năm 2022, ASEAN đón 43,1 triệu lượt khách du lịch, trong số đó có 620 ngàn lượt khách Nga thì năm 2023, khoảng 2 triệu khách Nga đến các nước ASEAN. Các điểm đến được du khách Nga lựa chọn nhiều nhất là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Có thể thấy, dù có tăng trưởng khá trong thời gian gần đây hợp tác kinh tế thương mại các quốc gia ASEAN-Nga còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Minh cho rằng, diễn đàn ngày hôm nay có sự tham gia của nhiều chuyên gia với nội dung trao đổi phong phú, cập nhật các tình hình, xu hướng tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế cũng như đề xuất những chính sách, giải pháp mới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ASEAN-Nga cũng như những nền kinh tế mới nổi sắp tới.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày 3 chủ đề chính: Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga, Quan hệ hợp tác ASEAN - Liên bang Nga, Quan hệ hợp tác BRICS - Liên bang Nga.

Các bài tham luận đề cập các khía cạnh khác nhau xoay quanh các lĩnh vực khác nhau, mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới.

Trong đó, các diễn giả cũng tập trung phân tích hợp tác đầu tư Nga-Việt qua các dữ liệu về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc điều chỉnh chính sách của Nga trong bối cảnh mới, các vấn đề và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực tài chính giữa Nga và các nước ASEAN.

Toàn cảnh diễn đàn.

Đây chính là nơi để các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, đóng góp ý kiến để tìm cách giải quyết những vấn đề khó, thúc đẩy hợp tác và tận dụng cơ hội từ mối quan hệ giữa các nước ASEAN, các nền kinh tế mới nổi và Liên bang Nga.

Bên cạnh các phiên thảo luận để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam trình bày những vấn đề về hợp tác phát triển trong các lĩnh vực, diễn đàn này mở ra những hợp tác mới trong nghiên cứu giữa các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Liên bang Nga, hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách về kinh tế-xã hội tại Việt Nam và Liên bang Nga trong các mối quan hệ chung với ASEAN và các nền kinh tế mới nổi.

Mai Huyền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-dan-hop-tac-kinh-te-asean-brics-nga-trong-boi-canh-moi-van-de-va-trien-vong-267667.html