Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 17/3

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 17/3.

Tổng thống Putin tuyên bố sẽ đáp trả Ukraine vì tấn công phá hoại bầu cử Nga. Tổng thống Putin nói rằng các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào khu vực biên giới của Nga là nhằm phá hoại cuộc bầu cử đang diễn ra ở Nga, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả Kiev.

Trong cuộc họp trực tuyến với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh liên bang, Tổng thống Putin nói rằng, Ukraine đã lên kế hoạch và tìm cách thực hiện các cuộc tấn công vào khu vực biên giới của Nga nhằm mục đích phá hoại cuộc bầu cử đang diễn ra ở Nga và đe dọa người dân Nga, ít nhất là ở các khu vực biên giới. Theo ông Putin, sự leo thang này của Ukraine cũng có thể là một cách để Kiev quảng bá hình ảnh, để cho công chúng Ukraine và những nước phương Tây thấy một số bước tiến quân sự.

Nga tấn công sở chỉ huy của Ukraine ở Dnipro bằng vũ khí chính xác cao. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp nói Ukraine phải giành lại Crimea để có hòa bình lâu dài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Ukraine phải giành lại quyền kiểm soát tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này từng nắm giữ, bao gồm cả Bán đảo Crimea, nếu không sẽ không thể có “hòa bình lâu dài”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với các đài truyền hình TF2 và France 2 hôm 14/3, Tổng thống Macron mô tả Nga là “đối thủ” của Pháp. Đồng thời, ông khẳng định Pháp không hề “gây chiến với Nga” mà chỉ “ủng hộ” Ukraine trong cuộc xung đột.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine chống lại Nga. Không thể có hòa bình lâu dài nếu không có chủ quyền, nếu không có sự quay trở lại biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine, bao gồm cả Crimea”, Tổng thống Macron cho hay.

Máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Anh bị gây nhiễu GPS gần lãnh thổ Nga. Máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps bị gây nhiễu GPS khi bay gần vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga ở Baltic. Sự việc xảy ra khi ông Shapps đang trên đường từ Ba Lan trở về Vương quốc Anh hôm 13/3.

London không quy trách nhiệm rõ ràng cho bên nào, trong khi truyền thông Anh cho rằng Nga đứng đằng sau vụ việc.

Trong vài tuần qua, các vấn đề về kết nối GPS liên tục được báo cáo ở khu vực lân cận Kaliningrad, bao gồm cả ở Ba Lan cũng như ở khu vực Baltic, khu vực phía Nam Thụy Điển và Đông Bắc nước Đức. Nhiều phương tiện truyền thông cho rằng các thiết bị gây nhiễu tác chiến điện tử của Nga ở Kaliningrad và cuộc tập trận quân sự của NATO do Mỹ dẫn đầu trong khu vực đều có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ việc.

Thành viên mới của NATO ủng hộ đưa quân tới Ukraine. Phần Lan đồng tình với Pháp rằng tất cả lựa chọn vẫn phải được xem xét trong việc hỗ trợ nỗ lực của Ukraine nhằm chống lại Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội vào tháng 2 sau khi ông cho rằng khối quân sự do Mỹ đứng đầu "không thể loại trừ" khả năng cử binh sĩ NATO đến hỗ trợ Ukraine. Một số quốc gia thành viên đã nhanh chóng bác bỏ nhận xét của ông Macron, khẳng định các binh sĩ NATO sẽ không đặt chân tới Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen đã lập luận rằng theo giả thuyết, mọi điều đều có thể xảy ra nếu tình hình trên thực tế xấu đi.

Theo bà Valtonen, các nhà tài trợ của Kiev "có thể làm được nhiều hơn thế" trong việc trang bị vũ khí cho lực lượng Ukraine. Bà cũng chỉ trích Mỹ vì đã trì hoãn gói viện trợ mới cho Kiev, nói rằng danh tiếng của nước này đang bị đe dọa.

Đức "bật đèn xanh" dùng lợi nhuận tài sản Nga mua vũ khí cho Ukraine. Thủ tướng Đức tuyên bố châu Âu sẽ dùng lợi nhuận phát sinh từ gần 300 tỷ USD tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ mua vũ khí cho Ukraine, đánh dấu lần đầu Berlin lên tiếng ủng hộ ý tưởng này.

Phát biểu hôm 15/3 cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng 3 nhà lãnh đạo đã nhất trí về một số biện pháp hỗ trợ Ukraine trước Nga. "Chúng tôi sẽ sử dụng lợi nhuận phát sinh từ tài sản Nga bị đóng băng ở châu Âu để hỗ trợ tài chính cho việc mua vũ khí cho Ukraine", ông Scholz nói.

Sự thay đổi của ông Scholz sẽ mở đường cho những hành động tiếp theo trong các tháng tới.

Phòng tuyến của Ukraine ở Tây Avdiivka có thể sụp đổ. Kênh Military Summary đưa tin, bằng một cách không thể tưởng tượng được, lực lượng vũ trang Nga đã vượt qua được hàng phòng ngự của Ukraine ở Berdychi, vượt sông Durna và thiết lập quyền kiểm soát ở khu vực Semenivka. Nếu quân đội Nga giành được chỗ đứng, điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của tuyến phòng thủ này.

Kênh DeepState của Ukraine cho biết cũng thừa nhận, lực lượng Kiev mặc dù đã cơ bản chặn được đà tiến công của đối phương nhưng vẫn không thể ngăn được lực lượng Nga tiến vào Tonenko và phía bắc Orlivka tại tây Avdiivka. Quân đội Nga mỗi ngày tiến rất chậm, Ukraine đã tìm cách khắc phục tình hình, giữ ổn định chiến tuyến sau vài tuần chỉ tháo chạy và rút lui.

Ukraine sơ tán hàng loạt cộng đồng sinh sống sát biên giới Nga. Chính quyền Ukraine đã bắt đầu sơ tán hàng loạt các cộng đồng dân cư ở vùng Sumy phía bắc nước này, gần biên giới Nga sau một thời gian dài khu vực này bị pháo kích dữ dội.

Giới chức Ukraine cho biết, hơn 4.500 cư dân ở 22 ngôi làng ở vùng Sumy đã được sơ tán nhưng không cho biết về khung thời gian.

Velikopysarska nằm cách làng Kozinka ở phía bên kia biên giới Nga chỉ vài kilomet. Kozinka thuộc vùng Belgorod của Nga là nơi bị các nhóm vũ trang xâm nhập và gây ra thiệt hại đáng kể trong tuần này.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-173-post1083077.vov