Diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên

Sáng 5.1, Hàn Quốc đã hai lần ra lệnh sơ tán người dân trên đảo Yeonpyeong, một hòn đảo gần biên giới với Triều Tiên sau khi quốc gia này có những động thái quân sự gần biên giới.

Bức ảnh chụp một cuộc thử nghiệm động cơ nguyên liệu rắn cho tên lửa tầm trung do Chính phủ Triều Tiên cung cấp. Ảnh: AP

Hàn Quốc sơ tán người dân ở biên giới

Một quan chức tại văn phòng làng Yeonpyeong xác nhận lệnh sơ tán được ban hành theo yêu cầu của quân đội Hàn Quốc.

Quan chức này cho biết quân đội đã thông báo với ngôi làng rằng quân đội Hàn Quốc đã nổ súng trên biển sau "một tình huống" gần biên giới. Nhưng không rõ đó là một cuộc diễn tập hay vì nguyên nhân nào khác.

Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng khoảng 200 đạn pháo ra vùng biển phía Tây nước này trong sáng 5.1. Động thái của Triều Tiên diễn ra sau khi Lục quân Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã tiến hành tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu chung. Thông báo nêu rõ Sư đoàn bộ binh cơ giới thủ đô của Hàn Quốc và Đội tác chiến Lữ đoàn Stryker thuộc Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ đã tham gia tập trận.

Sự kiện này được tiến hành ở thành phố Pocheon, cách thủ đô Seoul 46km về phía Đông Bắc, từ ngày 29.12, dự kiến kéo dài đến ngày 5.1. Cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tác chiến phối hợp đối phó với các mối đe dọa quân sự.

Tuy nhiên, Triều Tiên luôn cáo buộc những cuộc tập trận như vậy là hành động khiêu khích nhằm vào nước này.

Năm 2010, pháo binh Triều Tiên đã bắn hàng chục lần vào đảo Yeonpyeong, khiến 4 người thiệt mạng trong đó có 2 thường dân. Đây là một trong một trong những sự cố nặng nề nhất kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Vào thời điểm đó, Triều Tiên cho biết họ muốn trả đũa cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc đạn pháo vào lãnh hải của Triều Tiên.

Triều Tiên xác định lại quan hệ với Hàn Quốc

Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang thay đổi cách xử lý các mối quan hệ với Hàn Quốc, đưa ra những điều chỉnh đối với các cơ quan chính sách và chính phủ, trong đó có thể đưa Bộ ngoại giao Triều Tiên tiếp quản quan hệ với Hàn Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, các động thái này, phá vỡ chính sách hàng thập kỷ mà hai bên đã theo đuổi, đồng thời có thể mở đường cho những quyết sách cứng rắn hơn nữa trong tương lai.

Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc trong bế tắc, cả hai quốc gia đều áp dụng chính sách đối xử với nhau tương đối khác biệt so với các nước khác.

Điều này bao gồm các mối quan hệ giữa hai nước sẽ được xử lý bởi các cơ quan và bộ đặc biệt về quan hệ liên Triều thay vì Bộ Ngoại giao; đồng thời cả hai đều thúc đẩy các chính sách để hướng tới thống nhất hòa bình trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên cuối năm 2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng việc thống nhất trong hòa bình là không thể và cho biết chính phủ sẽ thực hiện “sự thay đổi chính sách mang tính quyết định” trong quan hệ với “đối thủ”. Ông cũng ra lệnh cho quân đội chuẩn bị mọi khả năng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dien-bien-cang-thang-moi-trong-quan-he-han-quoc-trieu-tien-i356409/