Điểm mới trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2024 quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú với nhiều điểm mới.

So với Nghị định số 27/2015, Nghị định số 35/2024 có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian qua và tiếp cận đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Quan tâm nhóm đối tượng đặc thù

Nghị định 35 đã xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Nghị định số 35/2024 vừa được ban hành có nhiều điểm mới trong xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Trong ảnh: Một tiết học của cô trò Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác ở vùng có điều kiện khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Bổ sung tiêu chuẩn đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vận động được nhiều người học đến trường, duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 1 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét.

Bổ sung tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo

Nghị định số 35 bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm. Cụ thể như biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng... Qua đó, thể hiện năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn.

Ngoài danh hiệu giáo viên dạy giỏi, bổ sung danh hiệu giáo viên tổng phụ trách đội giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Bộ GD&ĐT đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng thành tích hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; hoặc hướng dẫn sinh viên, nhóm sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc nhà giáo có đề tài nghiên cứu đoạt giải.

Nghị định cũng quy định rõ về sáng kiến để xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy hoặc quản lý và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh cho phù hợp với các quy định về điều lệ sáng kiến và Luật Thi đua, khen thưởng.

Cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình xét tặng

Nghị định 35/2024 cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho các đối tượng.

Theo đó, chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp bộ/ban/ngành/tỉnh/đại học quốc gia, cấp Nhà nước). Nghị định không còn quy định việc thành lập hội đồng xét tặng nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, đơn vị. Thậm chí có hồ sơ nhà giáo giảm được 2 cấp hội đồng trong quá trình xét tặng.

Đồng thời, điều chỉnh hội đồng cấp tỉnh, hội đồng đại học quốc gia đề nghị trình lên hội đồng cấp Nhà nước, không qua hội đồng chuyên ngành của Bộ GD&ĐT tạo để thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng....

Nghị định 35 của Chính phủ, ban hành đầu tháng 4, có hiệu lực từ ngày 25-5, thay thế cho các quy định trước đó.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/diem-moi-trong-xet-tang-danh-hieu-nha-giao-nhan-dan-nha-giao-uu-tu-post784237.html