'Địa chỉ đỏ' giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm tại khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Đây là di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 25/1/1991. Những năm qua, di tích này luôn là điểm đến, 'địa chỉ đỏ' thu hút đông đảo du khách gần xa tham quan vào các dịp lễ, Tết và hoạt động trải nghiệm dạy học gắn với di tích, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Một buổi ngoại khóa chào cờ, hát Quốc ca của học sinh tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thơìCộng hòa miền Nam Việt Nam -Ảnh: A.V

Ngược dòng lịch sử cách đây nửa thế kỷ, giữa năm 1972, 2/3 tỉnh Quảng Trị được giải phóng và sau đó ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa, xã Cam Mỹ (nay là thị trấn Cam Lộ), huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đặt trụ sở làm việc.

Mặc dù thi công trong điều kiện hết sức gấp gáp về mặt thời gian, nhân lực cùng với những khó khăn về mặt hậu cần lúc bấy giờ, nhưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã dành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam những ưu tiên đặc biệt trong trang trí nội thất, tạo nên sự trang nghiêm, chu đáo của tất cả các dãy nhà. Trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cảnh, có các hàng dừa là biểu tượng sức sống quật khởi của Nhân dân miền Nam…

Tại đây, sau khi Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra mắt và đi vào hoạt động, có hơn 40 nước cử Đại sứ đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao và nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến thăm. Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kết thúc vai trò lịch sử của mình, toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Với vai trò ý nghĩa to lớn, di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được xếp hạng di tích Quốc gia.

Những năm qua, xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, huyện Cam Lộ đã chú trọng công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ và huy động các nguồn lực phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo khu di tích. Triển khai các cuộc vận động sưu tầm, hiến tặng các hiện vật, tài liệu lịch sử truyền thống.

Hiện nay tại khu di tích được trưng bày lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử có giá trị của Chính phủ, các thế hệ cán bộ và các nước trao tặng. Hằng năm tổ chức đón tiếp nhiều đoàn công tác, du khách đến thăm, tham quan. Đặc biệt đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động về nguồn của đoàn viên thanh niên, sinh hoạt ngoại khóa của học sinh; qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh, làm sống lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Em Hoàng Lan Anh, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị trấn Cam Lộ chia sẻ, mỗi lần nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các bạn học sinh tích cực hưởng ứng tham gia. Qua nghe thuyết trình của cán bộ hướng dẫn viên tại di tích và các hình ảnh, tư liệu trưng bày, ai cũng cảm thấy rất tự hào với truyền thống lịch sử của cha ông với quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ và anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Những ngày này, Quảng Trị đang khẩn trương chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, hướng đến sự kiện ý nghĩa này, tuổi trẻ Cam Lộ cũng có nhiều hoạt động về nguồn, tri ân như: tham gia chỉnh trang, làm sạch khuôn viên di tích, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, tìm hiểu truyền thống lịch sử…

Anh Hoàng Phước Lãm, cán bộ hướng dẫn tại di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho hay, thời gian gần đây, số lượng các đoàn đến tham quan, tìm hiểu tại di tích ngày càng đông. Ngoài các đoàn cựu chiến binh, người dân trong nước còn có cả du khách người nước ngoài. Đặc biệt, các bạn trẻ, các trường học, kể cả trường học ở TP. Đông Hà thường đến đây để tham quan, tìm hiểu về lịch sử; tổ chức hoạt động ngoại khóa như: chào cờ, hát Quốc ca; trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch…

Phó Bí thư Huyện đoàn Cam Lộ Nguyễn Quý Nhật Linh cho biết, trong thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện đoàn tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn, các liên đội tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động về nguồn, trải nghiệm; tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, lễ báo công… tại “địa chỉ đỏ” này nhằm giáo dục, bồi dưỡng truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/dia-chi-do-giao-duc-tinh-than-yeu-nuoc-cho-the-he-tre/177405.htm