Đi bộ thế nào để có ích cho khớp gối?

Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ di chuyển và duy trì sự ổn định của cơ thể. Đi bộ đúng cách, hợp lý sẽ bảo vệ khớp gối được khỏe mạnh.

Vậy thế nào là đi bộ đúng cách và đi bộ mang lại lợi ích gì cho khớp gối của bạn?

Cấu tạo và chức năng của khớp gối

Khớp gối hoạt động như một bản lề, được điều khiển bởi sự hợp tác của hệ thống gân, cơ, dây chằng, sụn khớp và bao khớp phức tạp. Do đó, đây là một trong những bộ phận dễ bị chấn thương nhất của cơ thể và cần được bảo vệ đặc biệt.

Cấu tạo khớp gối bao gồm:

Cấu trúc xương: Bao gồm xương bánh chè, xương lồi cầu đùi và xương mâm chày.
Lớp sụn bọc đầu xương: Chức năng là giảm ma sát trong quá trình vận động của cơ thể.
Hệ thống dây chằng bên: Nằm ở bên ngoài của khớp gối, bao gồm các dây chằng bên trong và ngoài, giúp duy trì sự ổn định của khớp gối trong khi di chuyển, xoay hoặc xoắn vặn.
Hệ thống dây chằng chéo: Nằm trong khớp gối, gồm dây chằng chéo trước và sau. Hai dây chằng này tạo thành hình chữ X giúp cố định các khớp xương, gân và cơ ở vùng đầu gối, ngăn chúng trượt ra trước hoặc ra sau quá mức.

Chức năng của khớp gối

Khớp gốikhông chỉ đảm nhận trọng lượng toàn bộ cơ thể mà còn hỗ trợ các hoạt động di chuyển và đi lại. Do tính linh hoạt của nó, khớp gối dễ bị tổn thương trong quá trình tập luyện và tham gia các hoạt động thể thao như trật khớp, đứt dây chằng chéo, tổn thương sụn và gãy xương.

Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ di chuyển và duy trì sự ổn định của cơ thể. Ảnh minh họa

Lợi ích của đi bộ với bệnh nhân thoái hóa khớp gối

Tăng sức mạnh cơ bắp chân

Đi bộ sẽ tạo điều kiện cho bắp chân được săn chắc, khỏe mạnh hơn. Nhờ vậy mà các bó cơ trợ khớp có thể gánh bớt trọng lượng phần trên cơ thể, giảm bớt áp lực đè nặng lên khớp gối nên bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể cảm thấy bớt đau khi đi bộ.

Đốt cháy calo, giảm trọng lượng cơ thể

Đi bộ sẽ làm đốt cháy calo trong cơ thể và từ đó giúp hạn chế được tình trạng thừa cân, béo phì. Việc đi bộ nhẹ nhàng còn đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối như cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tăng cường lưu thông máu, giúp bạn ngủ ngon hơn và hạn chế nguy cơ biến chứng liên quan đến tim mạch do bệnh thoái hóa khớp gây ra.

Phục hồi khớp nhanh chóng.Giúp tăng cường tuần hoàn lưu thông mạch máu đến sụn khớp. Tăng độ dẻo dai và tính đàn hồi của sụn khớp.

Ngoài đi bộ, bạn có thể kết hợp các môn thể dục như: yoga, bơi lội, đi xe đạp,… để giúp cho khớp gối được cải thiện.

Đi bộ là một sự vận động tích cực và có lợi cho các khớp.

Cách đi bộ hợp lý và đúng để có lợi cho khớp gối

Đi bộ là một sự vận động tích cực và có lợi cho các khớp. Thói quen đi bộ hàng ngày còn giúp cho cơ thể giảm cân nặng, giảm áp lực trên hệ thống xương khớp, đặc biệt khớp gối. Nhưng đi bộ khoảng bao lâu? Đi bộ như nào không làm ảnh hưởng đến khớp gối?

Cần khởi động cơ bắp nhẹ nhàng làm nóng cơ thể khoảng 10 – 15 phút trước khi đi bộ. Nếu các khớp đang sưng, đau, nóng đỏ, không nên đi bộ.
Sử dụng giày thể thao mềm, nhẹ, chống trơn và chống trượt.
Nên hạn chế trong khoảng từ 30 – 45 phút, chia thành hai thời điểm vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
Kết hợp chế độ ăn uống phù hợp và khoa học trong thời gian thực hiện việc đi bộ: tăng cường rau xanh, hoa quả, các loại sữa và thực phẩm giàu omega 3.
Hãy bắt đầu với 10-15 phút đi bộ nhẹ nhàng rồi từ từ tăng dần lên theo từng ngày.
Lựa chọn những bộ quần áo vừa người, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt sẽ là sự chọn lựa phù hợp.
Cần thăm khám định kỳ với bác sĩ để được kiểm tra tình trạng khớp gối và có những bài tập, liệu trình điều trị phù hợp.

Việc ấn định một khoảng cách cho giới hạn đi bộ là điều khó có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố như đi nhanh hay chậm, người đi bộ nặng hay nhẹ cân, tình trạng sụn khớp trước khi đi bộ hư nhiều ít hay còn tốt, mặt sân đi bộ như thế nào, các cơ vùng gối và háng ra sao... Vì thế hãy tìm tới bác sĩ, chuyên gia tư vấn về tình trạng sức khỏe để lựa chọn các phương án rèn luyện và đi bộ cho phù hợp.

Cách kiểm soát đường huyết cho người không mắc tiểu đường | SKĐS

BS. Đào Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-bo-the-nao-de-co-ich-cho-khop-goi-169240415101344145.htm