Đến với bài thơ hay: Trăng Nam Giao

Sự hồi tưởng của Nhà Thơ trong bài thơ này, để trở về quá khứ, sự liên tưởng tới chốn Đàn Thiêng của Nhà Vua, gợi lại xiết bao suy tư, dồn nén của triều đại Nhà Nguyễn đối với vận mệnh của đất nước thời bấy giờ.

Trăng Nam Giao

Lê Viết Xuân

Dường như trăng Nam Giao

Sáng hơn trăng nơi khác

Rừng thông non ngơ ngác

Uống từng giọt trăng rơi

Xe duyên đất với trời

Muôn sợi trăng tinh khiết

Dẫu buồn vui ai biết

Vẫn sáng trong hết mình

Vẫn say đắm đa tình

Vô tư và độ lượng

Dẫu tai ương, nghiệp chướng

Mây đen và bão dông

Ô kìa, các Nàng Thông

Đang tắm trăng, lạ thế

Nơi ngày xưa Vua tế

Răng trăng dám tỏ tình ?

Từ sâu thẳm tâm linh

Tôi nghe lời trăng nói

Xin người đừng trách vội

Vua- Chẳng phải người sao ?

Dường như trăng Nam Giao

Sáng hơn trăng nơi khác.

Lời bình của tác giả Đức Sơn

Cùng thưởng trà tại căn phòng khách Nhà Thơ Lê Viết Xuân, mấy người bạn vui vẻ mời nhau đọc thơ. Trong tình cảm ấm áp, tay nâng chén trà, Nhà Thơ Lê Viết Xuân hồ hởi kể lại câu chuyện vừa rồi được Hội Nhà văn Thừa Thiên- Huế mời đi dự Trại Sáng tác Văn học tại Tây Nguyên; (nếu như không nhầm, Nhà Thơ L.V.X đi dự sáng tác lần đầu, kể từ ngày anh là hội viên- Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên- Huế). Chuyến đi này mà Nhà Thơ L.V.X, người ít nói, rim rỉm vậy thôi, thế mà anh chịu đi tìm cho mình, những chồi, những nụ thơ xinh xinh, trau chuốt, mượt mà; tình yêu chín lịm của anh đã dành cho Tây Nguyên được cảm lòng, cảm hồn. Thế mà, khi Nhà Thơ L.V. X hào sảng về những sáng tác của mình thành công ở Tây Nguyên… (mà nhóm bạn đang thích thú muốn được nghe anh đọc thơ ); như thế, tôi lại nổi ại muốn Nhà Thơ L.V.X gác lại thơ hay viết về Tây Nguyên, và yêu cầu tác giả đọc bài thơ “Trăng Nam Giao“ của anh viết.

Anh đành “bẻ ghi“, để chiều theo ý thích của tôi, thưởng thức về bài thơ xứ Huế. Mở đầu bài thơ “Trăng Nam Giao“, với giọng đặc quê gốc Phú Diên- Phú Vang:

“Dường như trăng Nam Giao/ Sáng hơn trăng nơi khác“. Mở đầu của bài thơ, tác giả đưa ý thơ dẫn dắt người cảm thơ ý tứ, giả thiết “Dường như”, cách đặt chữ, đặt câu mở đầu của bài thơ rất đắt mà khiêm nhường. Đã là trăng Nam Giao trên khung trời với đêm trăng sáng ngời, quả thật thưởng ngoạn cùng trăng quá ư là tuyệt diệu; có cái gì đó thiêng liêng vô ngần, có cái gì sâu xa; thế mà Nhà Thơ đưa ý mở đầu bài thơ thật khiêm nhường, rất gợi quyến rũ, vì ánh trăng như ngày nào các vua Triều Nguyễn lên đây xông trầm, ăn chay, chọn thời gian, tự thanh bạch mình, để làm Lễ Tế trời đất, cầu khẩn cho “Quốc Thái Dân an“. Thiêng liêng như thế, cao sang đến vậy, nhưng các Vua Triều Nguyễn bao giờ cũng khiêm nhường, chu toàn, thanh bạch mình với trời đất xứ thần kinh. Ở vị thế, các Vua Triều Nguyễn lấy chữ khiêm như “Minh Khiêm“, “Khiêm lăng“, bởi thế các công trình kiến trúc lâu đài, cung điện tuyệt tác của các Vua Triều Nguyễn cũng lấy chữ khiêm làm đầu… và với di sản Đàn Nam Giao, một trong những cảnh đẹp quí hiếm, sang trọng như thế, do vậy cảm nhận của Nhà Thơ khi được ngắm trăng, đón trăng ở nơi này cũng biết tâm thế khiêm tốn, khiêm lòng chiêm bái mà ngưỡng mộ kính cẩn.

Cảnh sắc trăng đưa vào tâm hồn Nhà Thơ: “Rừng thông non ngơ ngác/ Uống từng giọt trăng rơi“. Sao mà đẹp mỹ miều dâng dâng trong ngần nên thơ đến vậy. Xao xuyến đến mức“ Rừng thông non “cũng biết ngẩn ngơ“ ngơ ngác “trước trăng với cảnh mơ màng, trước rừng thông phong cảnh đẹp như bức tranh gió lướt, trăng thanh mà bị hớp hồn “Uống từng giọt trăng rơi“ . Cái hớp hồn của tác giả với trăng, cảnh rừng long lanh trăng Nam Giao có sức truyền cảm lạ lùng, bởi cái đẹp thơ mộng mà muốn uống lấy từng giọt trăng hiếm, từng giọt trăng lành, như nguồn cảm hứng nhân văn tạo nên để tâm hồn mình thanh thản nhẹ nhàng, cho bay bay, níu giữ không gian Huế mơ màng thu vào ánh trăng miên man, cảm tác. Tác giả bài thơ như được uống giọt trăng tinh khiết trời đất. Sự ướp thơm của khổ thơ đầu mà Nhà Thơ L.V. X muốn gieo vào lòng người đọc, lòng ngưỡng mộ lâng lâng chốn trăng ngưỡng, chân thành tha thiết lắm.

Theo quan niệm của người xưa “Trời tròn, đất vuông“. Có đây, được vận may uống trăng ở Nam Giao là thưởng uống suôn ngọt ngào ánh vàng của Cố Đô là phần vũ trụ bao la, vậy như được cả nghìn phúc, vạn phúc cho người.

Các Vua Nhà Nguyễn thuở xưa lên Đàn Nam Giao để trang nghiêm hành Lễ Tế trời đất, nhưng giờ đây Nhà Thơ L.V. X quan sát trăng bằng sự tưởng tượng tinh tế ngưỡng vọng lãng mạn “Muôn sợi trăng tinh khiết“. Trăng mà có “muôn sợi tinh khiết“; ý câu thơ, chữ thơ ví von hay, ví von hình ảnh lạ, độc sắc; sợi trăng như được vẽ nên hình ảnh trong trẻo mà có hồn. Nhà Thơ ngước ánh trăng Nam Giao với tình yêu trĩu nặng thấu xa xăm mà thấu về đêm trăng ấy mãi mãi còn. Các Vua Nguyễn ngày trước lên đây, để cầu mong cho sự yên lành, vững bền của trăm họ, cầu mong cho cuộc sống muôn dân được ấm no, hạnh phúc, để cầu cho“ thiên thời địa lợi nhân hòa“. Tinh thần ấy của “Nam Giao" đẹp sáng vằng vạc muôn thuở như ánh trăng non nước luân mùa mà nhà thơ nói bằng chữ thơ. Nhà Thơ viết tiếp những câu thơ lay say đắm “Vẫn say đắm đa tình/… Dẫu tai ương, nghiệp chướng/ Mây đen và bão giông. Nhà Thơ yêu quí trăng và đang thả hồn vờn trăng, thích thú cái đẹp mộng mị trăng; rồi bổng nhiên hồi tưởng rất thi vị; đó là cuộc sống của con người khi đến với cái đẹp quyến rũ, đến như ánh trăng thổn thức lạ kỳ như “ say đắm đa tình”, là điều đương nhiên, là chuyện đắm say rung động của con người, của vua, quan thời ấy với trăng, với thiên nhiên.

Sự hồi tưởng của Nhà Thơ trong bài thơ này, để trở về quá khứ, sự liên tưởng tới chốn Đàn Thiêng của Nhà Vua, gợi lại xiết bao suy tư, dồn nén của triều đại Nhà Nguyễn đối với vận mệnh của đất nước thời bấy giờ.

Mạch của bài thơ chuyển sang vế tươi sáng bay bổng hơn. Đây là tài hoa của người viết thơ, vì Nhà Thơ có chiều dày, năng khiểu biểu đạt chữ, biểu đạt ý tứ trong mạch cảm xúc người viết: “Ô kìa, các Nàng Thông/ Đang tắm trăng, lạ thế “. Một sự bất ngờ đến với người thưởng bài thơ “ Trăng Nam Giao “. Nhà Thơ không miêu tả trăng suông, mà tác giả biến hóa ảo giác “Các Nàng Thông đang tắm trăng". Úi dà, chuyện lãng mạn của các Nàng Thông như được Nhà Thơ thần thoại hóa bằng câu thơ được hiện vào bức tranh man mác thần tiên và hay đến mức khó tả, khó viết nỗi; ánh trăng hòa quyện thiên nhiên, cảnh sắc quyện hồn người nao nao, bởi trăng ngọc ngà, được nhập vào chốn thiêng mà cứ tự hỏi, không biết tại sao mình được lạc dậy đêm trăng xuân biếc, thơ mộng đến ngỡ ngàng, huyền ảo.

Vốn dĩ được vờn bay vi vu, ngân ngân với rừng thông mà tác giả L.V.X viết nên bài thơ "Trăng Nam Giao “; vậy đó, tình yêu tha thiết, quyến rũ nâng niu vun đắp hồn di sản Nam Giao; quả là việc này ý nghĩa. Bài thơ góp thêm tiếng lòng đậm sâu, vọng vang đối với hình tượng Nam Giao; bởi đây, tài sản vật thể và phi vật thể vô giá trong quần thể Kiến trúc Di sản Văn hóa Nhân loại tại Huế mà chúng ta ngưỡng mộ, trân trọng. Hai câu kết thúc bài thơ “Dường như trăng Nam Giao/ Sáng hơn trăng nơi khác”. Tác giả vừa tự tin bằng cảm xúc của vỉa mạch thời gian và không gian vũ trụ, là Nam Giao, nơi huyền ảo giấc mộng, và dẫu đi đâu, ở đâu, người Việt vẫn nhớ về Cố Đô Huế, để được hứng ánh sáng trăng độc thoại da diết mà có thật trong cuộc sống đời thường. Bài thơ là tiếng vọng dài ngân nga, để chúng ta hoài thương, hoài nhớ, bởi Đàn Nam Giao đầy chất trữ tình lịch lãm đường bệ và tâm linh trân quí muôn thuở.

Đ. S

Lê Viết Xuân - Đức Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/den-voi-bai-tho-hay-trang-nam-giao-a22247.html