Đến bao giờ tình trạng 'lạm thu' mới được dẹp khi cứ sai thì yêu cầu trả lại?

Năm học mới vừa bắt đầu được một tháng, dư luận liên tiếp 'choáng váng' trước danh sách các khoản thu, chi cao chót vót ở nhiều trường, lớp trên cả nước.

Việc "lạm thu" dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh đến thời điểm này đang tái diễn ở nhiều địa phương và có xu hướng nghiêm trọng hơn. Điều đáng nói, mỗi khi có phản ánh của phụ huynh thì các nhà trường mới vào cuộc kiểm tra, xác minh, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan rồi yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh.

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu cứ thu sai mà không may bị phát giác và tố cáo thì trả lại là xong, vậy phải dẹp tình trạng "lạm thu" đến bao giờ mới hết?; Vì sao mỗi đầu năm học, nạn "lạm thu", "loạn thu" diễn ra khắp nơi trên cả nước, phụ huynh phản ánh liên tục nhưng không những không xử lý được mà ngày càng gia tăng.

Hàng loạt khoản thu chi vô lý bị yêu cầu trả lại

Mới đây nhất, trước thông tin phản ánh của phụ huynh về việc hiệu trưởng Trường tiểu học C.N 2 (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đề nghị BPH thu tiền mua tivi cho tất cả các lớp học và tiền xã hội hóa cải tạo khuôn viên nhà trường, Phòng GD&ĐT TP. Cam Ranh đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu nhà trường dừng thu và trả lại tiền cho phụ huynh.

Giáo viên chủ nhiệm thông báo việc huy động tiền mua tivi dịp đầu năm học tại một trường tiểu học ở Khánh Hòa.

Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Chí Linh, Hải Dương) cũng "vẽ" ra 16 khoản đóng góp đầu năm. Trong số 16 đầu mục được liệt kê, có những khoản không nằm trong danh mục được thu theo quy định. Một số khoản thu nằm ngoài quy định như: ghế và cờ 25.000 đồng/học sinh; kỹ năng sống 432.000 đồng; mua tivi 300.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 250.000 đồng; hỗ trợ đưa học sinh giỏi đi thi 50.000 đồng; mua loa đài 15.000 đồng; hỗ trợ cơ sở vật chất 168.000 đồng. Với những khoản thu nhà trường thực hiện chưa đúng quy trình, quy định hiện hành, Phòng GD&ĐT TP. Chí Linh đã yêu cầu trả lại cho phụ huynh học sinh.

Thêm một trường học ở huyện Thanh Trì là Trường THCS Tứ Hiệp cũng bị phản ánh có nhiều khoản thu "lạ" xuất hiện trong bản thu chi với 25 đầu mục của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học này. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã yêu cầu nhà trường trả lại toàn bộ kinh phí đã vận động của phụ huynh, tổng số tiền là 162.040.000 đồng.

Trước đó, thông tin bảng dự toán thu chi quỹ phụ huynh của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người "choáng váng". Tổng cộng theo bảng kê, số tiền thu được từ quỹ phụ huynh của lớp 1/2 là 313.300.000 đồng, đã chi 260.328.500 đồng và vẫn còn 52.971.500 đồng. Mỗi phụ huynh trong lớp đã phải đóng 10 triệu đồng. Sau khi kiểm tra, Phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh đã chỉ đạo Trường Tiểu học Hồng Hà hoàn trả phụ huynh gần 250 triệu đồng quỹ lớp thu, chi sai quy định, phê bình hiệu trưởng.

"Lạm thu", phải xử lý hiệu trưởng, đâu chỉ trả lại tiền là xong

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, HĐND các tỉnh, thành phố đều ban hành danh mục các khoản được phép thu trong nhà trường, trong đó quy định rõ ràng, khoản nào được phép thu và thu tối đa là bao nhiêu nhưng vẫn xảy ra hiện tượng lạm thu gây bức xúc trong dư luận.

Bà Nga phân tích: "Nguyên nhân do chúng ta quản lý chưa chặt, chưa nghiêm; Thứ hai, bản thân phụ huynh không nắm rõ danh mục các khoản được phép thu và không được phép thu nên khi nhà trường phát động phụ huynh cứ đóng góp mà không rõ khoản nào mình không phải nộp".

Để chống lạm thu trường học, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, lãnh đạo các địa phương phải tăng cường tuyên truyền nghị quyết của HĐND về các khoản thu trong trường học tới phụ huynh và nhân dân. Đặc biệt, phải quy trách nhiệm tới người đứng đầu trường học. Trường học xảy ra hiện tượng lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng.

Liên quan đến những sự việc để xảy ra lạm thu ở trường học kể trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, nếu để xảy ra lạm thu sẽ quy trách nhiệm hiệu trưởng các nhà trường. Thậm chí, hành vi lạm thu nếu có sẽ bị chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý.

"Đối với các khoản liên quan việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong năm học hoặc khoản thu xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện. Điều quan trọng nữa là vấn đề thu, chi trong trường học phải công khai, minh bạch để phụ huynh nắm được".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/den-bao-gio-tinh-trang-lam-thu-moi-duoc-dep-khi-cu-sai-thi-yeu-cau-tra-lai-169230930143400045.htm