Đề xuất xây tầng hầm ở các trường nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị các cấp cho phép thành phố Hà Nội xây dựng tầng hầm ở trường học trong các quận nội thành để khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả. Ý kiến của bà Hà vừa đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu

Tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, hiện ngành giáo dục tỉnh Yên Bái thiếu nhiều giáo viên, gặp khó trong tuyển dụng giáo viên, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn mặc dù tỉnh đã có chính sách thu hút, hỗ trợ.

Tổng số giáo viên của tỉnh Yên Bái mới chỉ đạt 86,5% so với định mức. Tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân mỗi năm 2 đợt với tổng số chỉ tiêu tuyển là 2.532 nhưng số đăng ký chỉ đạt 1.359, chiếm 53,7%; số trúng tuyển là 726, chiếm 53,4% số người dự tuyển và chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu cần tuyển.

Đối với giáo viên Tiếng Anh, Tin học thu hút lên vùng cao, tỉnh tuyển mới với mức 100 triệu/giáo viên nhưng vẫn không tuyển được giáo viên nào.

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tham luận tại hội nghị.

"Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là các thiết bị dạy học hiện đại, trong khi công tác mua sắm thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn.

Một số chính sách hỗ trợ đặc thù đối với giáo viên, nhân viên, học sinh tại các trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đang có nhiều bất cập", ông Đỗ Đức Duy thông tin.

Từ thực tiễn trên, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương để đảm bảo đủ định mức giáo viên; tiếp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học; quan tâm đến chế độ lương và phụ cấp để giúp giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề.

Quy định chưa phù hợp với thực tiễn

Tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, do chưa có định biên và chế độ chính sách phù hợp để thu hút đối với giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, nhân viên trường học, y tế dự phòng, văn thư, thủ quỹ, kế toán nên thành phố gặp khó trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Dương Anh Đức, một số quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai rất bất cập.

Cụ thể, thành phố vướng mắc khi thực hiện chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định này có một số nội dung đang mâu thuẫn với tiêu chuẩn quốc gia.

Đồng thời, về nội dung liên quan đến quy định diện tích đất bình quân tối thiểu được nâng lên, do đó những địa phương đông dân và mật độ dân số cao như Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn.

Thực tế hiện nay, nhiều trường học cũ nếu thực hiện theo chuẩn mới thì số lượng lớp học bị giảm sút nghiêm trọng và như vậy học sinh không có chỗ để học. Vì vậy, các trường buộc vẫn phải sử dụng cơ sở hiện hành đang học để đảm bảo đủ phòng học cho học sinh.

Từ những khó khăn, bất cập trên, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại các tiêu chuẩn, phân loại theo từng vùng, theo tính chất đặc thù vùng miền cũng như tính chất của những đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để ban hành những quy chuẩn phù hợp.

Đề xuất sớm triển khai số hóa sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa điện tử

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị sửa đổi Nghị định 120/2020/NĐ-CP ở nội dung quy định về số lượng cấp phó tại các loại hình trường học cho phù hợp thực tế.

Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.

Thứ ba, quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

Theo đó, lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.

Bà Vũ Thu Hà cho biết, hiện nay, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000-60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30-40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.

Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, bà Vũ Thu Hà kiến nghị các cấp xem xét để thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Đồng thời, cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng, xây tầng hầm cho các trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-xay-tang-ham-o-cac-truong-noi-thanh-de-khai-thac-quy-dat-hieu-qua-179230818170116779.htm