Để xã hội tạo được lực đẩy cải cách

Ngay sau khi quyết định thành lập được công bố, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã họp phiên đầu tiên cùng ngày, hôm 29-7. Những khuyến nghị đầu tiên đưa lên người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định kinh tế Việt Nam không còn có thể tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên. Nền kinh tế chỉ có thể trở lại với quỹ đạo phát triển trên 7%/năm nếu hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và bên cung được cải thiện đáng kể, khuyến nghị cho biết.

Nền kinh tế Việt Nam không còn có thể tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên.  Ảnh TLTBKTSG

Cùng với những biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên phải là việc cải cách mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện nhằm biến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thực sự đi vào thực tế cuộc sống. Theo đó, thay cho “lực kéo của Thủ tướng”, bộ máy hành chính hiện hành phải chuyển động mạnh hơn bằng chính “lực đẩy của xã hội”.

Như nhận xét của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong phiên họp với tổ tư vấn, nhiều giải pháp được đề xuất tương đồng với các giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ Online cuối tuần rồi, TS. Trần Đình Thiên, một thành viên của tổ tư vấn, cho rằng ở góc độ cá nhân ông vẫn thấy cần tập trung cải cách hoạt động của Chính phủ nhằm tháo gỡ các trói buộc về thủ tục hiện hành đang kìm hãm tư duy phát triển đất nước. “Sự kìm hãm này đang quá lớn”, ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế phân cấp, phân quyền và phân bổ ngân sách đòi hỏi sự giải quyết của Quốc hội, thường trực Chính phủ hoặc cấp cao hơn. Nhưng nhiều vấn đề trong điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành không phải lúc nào cũng hoàn toàn thông suốt. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 3-8, một phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít nhiều liên quan đến vấn đề này. “Nếu Chính phủ có nói chủ trương hay nói thông điệp chỉ đạo quyết liệt nhưng bộ trưởng không làm đến nơi, đến chốn các việc có liên quan, hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công”, Thủ tướng nói.

Trong báo cáo gần đây tổng kết thi hành pháp luật về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã nêu lên một bất cập ảnh hưởng đến doanh nghiệp do các cơ quan quản lý nhà nước gây ra.

Theo Bộ Tài chính, dù đến thời điểm hiện tại đã có hơn 97% doanh nghiệp sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan, các cơ quan quản lý vẫn yêu cầu họ phải cung cấp hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy. Yêu cầu này buộc doanh nghiệp phải thường xuyên chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy. Một quy định vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp vừa làm giảm tác dụng của cải cách thủ tục hành chính như thế cần được nhanh chóng sửa đổi. Và đây chỉ là một ví dụ.

Không thể phủ nhận những nỗ lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng để “lực đẩy của xã hội” có thể thay cho “lực kéo của Thủ tướng” thúc đẩy bộ máy hiện hành cải cách mạnh hơn, thì Chính phủ phải tạo cho được cơ chế hiệu quả thúc đẩy chính bộ máy của mình chuyển động theo đúng yêu cầu.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163436/de-xa-hoi-tao-duoc-luc-day-cai-cach.html