Để trẻ em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 228.500 trẻ em, chiếm 26,11% dân số. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh, thân thiện.

Thời gian qua, trẻ em trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm phát triển toàn diện. Trong ảnh: Giờ học tìm hiểu thiên nhiên của cô và trò Trường Mầm non thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức. Toàn tỉnh có trên 2.930 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 54.100 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trong đó có gần 49.990 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo). Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), vi phạm pháp luật... vẫn xảy ra ở một số địa phương, ngày càng diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn, căn cứ Luật Trẻ em năm 2016, Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 20/10/2017 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em. Trong đó tập trung thực hiện mục tiêu cụ thể hướng tới hàng năm giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 90% trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại được hỗ trợ, phòng ngừa; 100% trẻ em được giáo dục kỹ năng sống trong các chương trình sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa của nhà trường; 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, trợ giúp chăm sóc, phục hồi tâm lý tại cộng đồng và tư vấn thích hợp; 100% vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn đều được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao ở cả 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong đó, tập trung triển khai các biện pháp truyền thông, phổ biến pháp luật, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị xâm hại, TNTT...

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh truyền thông tới cộng đồng nhằm bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, giới thiệu về Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo chuyên môn nắm bắt tình hình, chủ động triển khai phòng, chống tội phạm lứa tuổi vị thành niên, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, khi nhận được thông tin trẻ em bị xâm hại, bạo lực kịp thời vào cuộc điều tra làm rõ đối tượng xâm hại để xử lý theo pháp luật.

Các ngành chức năng, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa về các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em được triển khai liên tục, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp tục củng cố cơ cấu tổ chức của Ban bảo vệ trẻ em các cấp. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Hệ thống dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, hỗ trợ các em trở lại sinh hoạt bình thường và hòa nhập với cộng đồng…

Có thể khẳng định, trẻ em là tương lai của đất nước. Để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, phát huy vai trò của gia đình, nhà trường trong việc dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với những điều kiện tốt nhất. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế đầy đủ, đồng bộ cho trẻ em tiếp cận các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, nâng cao tri thức. Tạo những sân chơi bổ ích, thú vị để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức. Khi được sống, học tập, vui chơi trong những không gian lành mạnh sẽ giúp trẻ tránh xa những hành vi, hiện tượng tiêu cực, để trẻ em được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Linh Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/183454/de-tre-em-song-tr111ng-moi-truong-an-toan,-lanh-manh.htm