Đề thi Ngữ văn vào 10: Học sinh dễ dàng đạt điểm khá

Đề thi năm nay được đánh giá vừa sức, không quá đánh đố thí sinh, tuy nhiên vẫn ở dạng đề an toàn không nhiều thay đổi.

Sau 120 phút, các thí sinh tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Văn vào lớp 10. Năm nay, đề thi vào tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê và câu hỏi nghị luận xã hội bàn về ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc bản thân.

Trao đổi với

Người Đưa Tin

, em Nguyễn Minh Thư – thí sinh tại điểm thi THCS Phương Mai cho biết: “Tác phẩm văn xuôi giúp em bớt áp lực hơn, đây cũng là tác phẩm không quá khó học, vừa sức với em. Với đề này cũng rất dễ để đạt điểm khá, tuy nhiên nếu không có lối văn riêng thì khó cao điểm hơn so với mặt bằng chung”.

Cũng tại điểm thi, em Nhật Minh – Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, bày tỏ “Đề thi môn Văn năm nay nằm trong nội dung kiến thức mà em đã ôn tập. Viết đoạn văn theo dạng tổng hợp – phân tích - tổng hợp là dạng dễ viết và làm. Em dự tính sẽ được từ 7 – 7,5 điểm”. Tuy nhiên, một số thí sinh cũng cho rằng chỉ làm bài ở mức vừa phải, khá khó để đạt điểm cao.

Đề thi môn Ngữ văn năm học 2023-2024

Đánh giá về đề thi năm nay, trao đổi với

Người Đưa Tin

thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên Trường THPT FPT, luyện thi môn Ngữ văn tại Tuyensinh247.com cho biết đối với câu nghị văn học, câu chiếm số điểm lớn do vậy đòi hỏi các bạn phải làm tốt, làm kỹ.

“Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”, chắc chắn rằng nhiều trường đã ôn tập kỹ và cũng nằm trong trọng điểm dự đoán, bởi vì 6 năm gần đây chưa thi vào đặc trưng thể loại truyện.

Với câu 1, câu 2, câu 4, các bạn học sinh đã ôn tập các tác phẩm, đọc kỹ phần đoạn trích đã cho thì không làm khó được các em”, thầy Linh chia sẻ.

Ở câu 3, thầy giáo cho biết đây không phải là dạng câu hỏi đánh đố, bản thân các em nếu đã nắm được cách làm bài, bố cục, hướng triển khai đoạn văn tổng - phân - hợp, về dạng đề phân tích nhân vật, lồng ghép vào đó là các dẫn chứng, và yếu tố nghệ thuật, thì hoàn toàn có thể tự tin.

Thí sinh tiếp tục thi môn Ngoại ngữ vào chiều nay 10/6 (Ảnh: Hữu Thắng).

“Phần đọc hiểu và viết nghị luận xã hội, các câu hỏi vừa sức với học sinh, chỉ cần học kỹ và thực hành nhiều, hoàn toàn có thể dễ dàng giải quyết câu 1 và câu 2. Với câu 2, học sinh cần nắm rõ lệnh: nêu cảm nhận ngắn gọn, tức là tránh trình bày lan man, chỉ cần có được các từ khóa: tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng... là có thể giành điểm tối đa”, thầy Linh đánh giá.

Ngoài ra, với câu 3 phần II, yêu cầu ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc, đây là câu lệnh rất rõ ràng, với cụm từ khóa làm chủ cảm xúc, các bạn học sinh cần làm rõ các luận điểm: Làm chủ cảm xúc mang lại ý nghĩa như thế nào, vì sao ta cần làm chủ cảm xúc. Kết hợp tốt dẫn chứng tiêu biểu để làm bật luận điểm, bài viết sẽ được đánh giá cao. Thầy giáo đánh giá đây có thể nói là câu hỏi phù hợp với học sinh, về tâm lý lứa tuổi.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/de-thi-ngu-van-vao-10-hoc-sinh-de-dang-dat-diem-kha-a611992.html