Để bảo vật quốc gia xứng tầm danh hiệu

Để nâng tầm các hiện vật, nhóm hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ đặc biệt quan trọng, kể từ năm 2012, hàng năm Nhà nước ta đều tổ chức các đợt công nhận Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay đã gần 10 năm, với gần 300 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận, Bảo vật quốc gia Việt Nam vẫn chưa thực sự được quảng bá xứng tầm danh hiệu.

Đây là chiếc thống gốm hoa nấu An Sinh – một trong 4 bảo vật quốc gia của Bảo tàng Quảng Ninh vừa được công nhận năm 2021. Dù được đặt ở vị trí khá trung tâm trong một khu trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh, thế nhưng, nếu như không có lời giới thiệu của hướng dẫn viên, du khách cũng không để ý chiếc thống gốm này lại có giá trị đặc biệt như vậy.

Anh TRƯƠNG CÔNG HUY – quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội: ”Bảo vật quốc gia thì đây là lần đầu tiên tôi được nghe thấy, bởi vì ở Việt Nam khi nhắc đến bảo vật quốc gia thì tôi chưa một ấn tượng, gợi ý nào về bảo vật quốc gia. Khi đến với Bảo tàng Quảng Ninh, tôi được hướng dẫn viên nói các thông tin về bảo vật quốc gia thì tôi mới nắm dần và hiểu rõ về những giá trị của bảo vật này của quốc gia.”

Trên thực tế, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã thiết kế một khu trưng bày khá bắt mắt dành riêng cho các bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại bảo tàng. Tuy nhiên, do chưa đủ kinh phí, khu vực này vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, chưa thực sự tạo ra sự khác biệt nổi trội so với các khu vực trưng bày khác.

Ông ĐỖ ĐĂNG ĐƯỜNG – Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh: "Việc trưng bày các hiện vật bảo vật quốc gia này trong hệ thống bảo tàng cũng cần phải đặc biệt được quan tâm. Để làm sao giành cho nó các vị trí, các không gian trưng bày thật phù hợp và cũng cần phải hết sức chú ý đến các nghệ thuật trưng bày để làm sao mà tôn tạo các hiện vật này lên, tăng lên sức hấp của các bảo vật quốc gia này, để thu hút khách du lịch đến với Bảo tàng Quảng Ninh. Phải tạo ra điều kiện làm sao để nó tỏa sáng, thấy được các giá trị của các bảo vật quốc gia này tại Bảo tàng Quảng Ninh”.

Từ năm 2012 đến hết năm 2021, Nhà nước đã tổ chức 10 đợt công nhận với 242 bảo vật quốc gia, được phân bố tại nhiều tỉnh thành. Do các bảo vật quốc gia thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau nên mỗi nơi sẽ có cách thức quảng bá, khai thác, cũng như tôn vinh các giá trị của các hiện vật, nhóm hiện vật khác nhau. Điều này vô hình chung đã làm mất đi tính hệ thống các bảo vật quốc gia, khiến giá trị của bảo vật quốc gia bị giảm đi khá nhiều.

PGS.TS ĐẶNG HỒNG SƠN - Phó trưởng Khoa Lịch sử, Đại học KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: ”Ở mỗi một địa phương lại có một chính sách khác nhau, hay lại có một cách thức khác nhau trong việc quảng bá hình ảnh các bảo vật quốc gia này. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, cho đến nay chúng ta cần phải có một chiến lược tổng thể đối với việc quảng bá các bảo vật quốc gia. Và chiến lược tổng thể này phải ở góc độ bao trùm cả nước, chứ không phải chỉ lẻ tẻ ở địa phương A hay địa phương B”.

Gần 10 năm với 10 đợt công nhận - một quãng đường không phải là ngắn nhưng đến thời điểm hiện tại, việc phát huy giá trị của bảo vật quốc gia vẫn chưa thực sự được đặt đúng tầm. Việc người dân không biết hay chưa một lần nghe qua danh hiệu này không phải là hiếm. Điều này vô cùng đáng tiếc, bởi khi chính người dân trong nước còn chưa hiểu hết được những giá trị của bảo vật quốc gia, thì mong muốn quảng bá những giá trị về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè thế giới thông qua bảo vật quốc gia cũng khó có thể thực hiện được.

Thực hiện : Anh Thư Anh Tuấn Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/de-bao-vat-quoc-gia-xung-tam-danh-hieu