Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Khánh Vĩnh: Quan tâm thu hút đầu tư

Để phát triển huyện Khánh Vĩnh trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này đang tập trung thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trên địa bàn nhằm khai mở các tiềm năng, lợi thế.

Tổ chức xúc tiến, quảng bá

Do Khánh Vĩnh nằm giữa 2 trung tâm du lịch lớn là TP. Nha Trang và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nên có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Địa phương có thế mạnh về rừng - thác - suối, khí hậu khá ôn hòa, mát mẻ, các loài động, thực vật đa dạng phù hợp với loại hình du lịch cảnh quan thiên nhiên; nhiều địa danh lịch sử, truyền thống cách mạng thích hợp du lịch về nguồn… Địa phương đã hình thành các địa điểm du lịch tuyệt đẹp, như: Thác Bầu - suối Mấu; suối Đá Hòn Giao; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Lách; thác Edu (thác Yang Ly); đèo Hòn Giao... Ngoài ra, Khánh Vĩnh có tới 28 DTTS đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và đặc sắc, với nhiều lễ hội như: Lễ cưới của đồng bào T’rin; lễ ăn mừng lúa mới; lễ mừng nhà mới; lễ bỏ mả của dân tộc Raglai, Ê đê; hội tung còn của dân tộc Tày; lễ đền ơn đáp nghĩa của đồng bào Raglai…

Đại diện UBND huyện Khánh Vĩnh ký kết hợp tác du lịch với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh: X.THÀNH

Đại diện UBND huyện Khánh Vĩnh ký kết hợp tác du lịch với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh: X.THÀNH

Để phát triển du lịch, Khánh Vĩnh đã có Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc DTTS huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Khánh Vĩnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác du lịch với một số đơn vị. Địa phương mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, liên kết phát triển du lịch để giúp Khánh Vĩnh khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc DTTS; góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong huyện, mới đây, tại thị trấn Khánh Vĩnh diễn ra Lễ hội nông sản - giao lưu văn hóa các DTTS trên địa bàn với chủ đề “Thanh âm của núi”. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc được tổ chức, tham dự lễ hội, người dân và du khách còn thưởng thức các sản phẩm nông sản sạch, đặc trưng trên địa bàn như: Bưởi da xanh, sầu riêng, cam xoàn, quýt, mít, gạo rẫy, măng le, mật ong, chuối rừng... Nhiều người đã tìm mua về làm quà, ủng hộ tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, ĐBDTTS trên địa bàn bằng cách tìm mua những sản phẩm đan lát thủ công, hàng mỹ nghệ của ĐBDTTS ở địa phương như: Gùi, rổ, đồ trang trí... Các gian hàng với những không gian đặc trưng, gắn với bản sắc dân tộc ở từng địa phương của huyện; không gian trưng bày sản phẩm văn hóa, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, ĐBDTTS… cũng thu hút đông người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư

Với định hướng phát triển nhanh và bền vững vùng có đông ĐBDTTS và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa, có vai trò bảo đảm an ninh môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, đại đoàn kết các dân tộc, đưa địa phương trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn, Khánh Vĩnh đã và đang thu hút các nhà đầu tư nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một gian hàng nông sản tại Lễ hội nông sản - giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh diễn ra mới đây. Ảnh: V.Thành

Một gian hàng nông sản tại Lễ hội nông sản - giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh diễn ra mới đây. Ảnh: V.Thành

Để đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư vào vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại gắn với hoạt động du lịch; quảng bá, giới thiệu, kết nối các sản phẩm du lịch, dịch vụ của huyện; tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản của địa phương; triển khai nhiều hoạt động, hình thức để quảng bá tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư… Cùng với đó, huyện sẽ tổ chức tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người dân là ĐBDTTS, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã… nhằm thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn. Ngoài ra, huyện còn triển khai việc sản xuất các sản phẩm để thông tin, tuyên truyền quảng bá các sản phẩm đặc trưng; tiềm năng, thế mạnh của từng vùng ĐBDTTS và miền núi tại địa phương…

Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh, việc thu hút đầu tư vào vùng ĐBDTTS và miền núi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi được huyện tập trung triển khai nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của người dân dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Từ đó, góp phần để huyện thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202405/vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-khanh-vinhquan-tam-thu-hut-dau-tu-a1442fd/