Để bảo hiểm xã hội tự nguyện hấp dẫn hơn

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Vì vậy, việc bổ sung các chế độ ngắn hạn khi tham gia BHXH tự nguyện là rất quan trọng để thực hiện mục tiêu trên.

Theo thống kê của Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), giai đoạn trước năm 2019, bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện tăng khoảng từ 20 - 30% so với năm trước và bắt đầu tăng mạnh từ năm 2019.

Có hỗ trợ nhưng chế độ thụ hưởng vẫn ít

Cụ thể, năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 558.000 người, gấp 2 lần so với năm 2018, bằng cả 11 năm trước cộng lại. Trong đó, nữ giới tham gia là hơn 319.000 người, chiếm 55,67%. Năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt hơn 1,12 triệu người, gần gấp đôi so với năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại, đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.

Vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng BHXH tự nguyện có xu hướng chậm lại. Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,44 triệu người, tăng 29% so với năm 2020. Năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,46 triệu người, tăng khoảng 12.000 người so với năm 2021 (tăng 0,85%).

Số người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ đóng từ ngân sách Nhà nước cũng tăng qua các năm. Ví dụ như năm 2022, 34.419 người thuộc hộ nghèo đã được hỗ trợ (30% mức đóng), 39.597 người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ (25% mức đóng), trên 1,38 triệu người được hỗ trợ đóng theo diện đối tượng khác (10% mức đóng).

Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ tham gia từ ngân sách Nhà nước được thực hiện từ năm 2018 theo quy định của Luật BHXH 2014, có 18/63 tỉnh hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, như: Hà Nội, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Về quyền lợi hưởng, thống kê trong năm 2022 cho thấy, 7.749 người tham gia BHXH tự nguyện đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí; 197 người được giải quyết hưởng chế độ tuất hằng tháng; 4.594 người được giải quyết chế độ tuất 1 lần.

Các số liệu này trong quý I/2023 lần lượt là 1.267 người tham gia BHXH tự nguyện đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí; 54 người được giải quyết hưởng chế độ tuất hàng tháng; 1.184 người được giải quyết chế độ tuất 1 lần.

Vì sao chưa hấp dẫn?

Mặc dù vậy, chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa hấp dẫn với người dân. Lý giải điều này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân là do lao động tự do không có việc làm và thu nhập không ổn định. Bên cạnh đó, thời gian tham gia để được hưởng lương hưu còn dài (theo quy định hiện hành là 20 năm).

Vấn đề quyền lợi thụ hưởng cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp. Với BHXH bắt buộc, người tham gia được thụ hưởng 5 chế độ: hưu trí, tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp. Thế nhưng, BHXH tự nguyện hiện hành chỉ cung cấp 2 chế độ hưu trí và tử tuất, khiến cho chính sách này kém hấp dẫn không thu hút được nhiều người tham gia.

Đề xuất bổ sung các chế độ ngắn hạn khi tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP. HCM, thời gian qua, việc phát triển BHXH tự nguyện ở thành phố gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc, vốn dành cho nhóm có quan hệ lao động, là 2,6 triệu người, số tham gia BHXH tự nguyện là 61.000. 3 tháng đầu năm nay, số người tham gia bắt buộc giảm 3,8%, con số này ở nhóm tự nguyện gần 50%, tức chỉ còn 31.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Lãnh đạo BHXH TP. HCM cho rằng, có nhiều lý do khiến lao động tự do không mặn mà tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có việc so sánh chính sách thụ hưởng với nhóm bắt buộc. Trong khi ở nhóm bắt buộc có các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, những người tham gia tự nguyện lại không có. Việc thiếu các chế độ ngắn hạn đã khiến nhóm tự nguyện cảm thấy phải chờ đợi rất lâu, ít nhất 20 năm đóng tối thiểu mới được hưởng thành quả mình đóng góp.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TP. HCM, muốn thu hút lao động tự do vào BHXH tự nguyện cần tăng chính sách thụ hưởng. Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đã thêm chế độ thai sản, mức hỗ trợ mỗi lần sinh con là 2 triệu đồng. Người lao động không phải đóng bất kỳ khoản nào, kinh phí để chi cho chế độ này sẽ được lấy từ ngân sách.

Ông Hà cho rằng, người lao động mong muốn BHXH tự nguyện có thêm các chế độ ngắn hạn khi gặp rủi ro là phù hợp với nhu cầu sát sườn của họ. Vì vậy, chính sách cần điều chỉnh, trong đó có nhiều phương án tham gia với các mức đóng phù hợp công việc, thu nhập để người lao động lựa chọn.

Tăng hơn nữa tính hấp dẫn của chính sách

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, Nghị quyết số 28/NQ-TW của Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thể chế hóa chủ trương này, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm đối với cả nhóm người tham gia theo hình thức tự nguyện và bắt buộc.

Đồng thời, để tăng hơn nữa tính hấp dẫn của chính sách, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 3 chế độ là lương hưu, thai sản và tử tuất. Trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước đảm bảo. Lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con đều được thụ hưởng chính sách này. Người lao động để được hưởng quyền lợi thai sản phải đóng BHXH đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Về mức hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo quy định, lao động nữ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con được hưởng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ mất sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ hưởng chế độ theo quy định.

Ngoài ra, để tăng thêm tính hấp dẫn của chính sách, từ phía đơn vị thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cũng đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo... Đây được kỳ vọng là những chính sách hấp dẫn lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Trưởng nhóm Phát triển con người của Ngân hàng Thế giới (WB) - ông Christophe Lemiere đánh giá còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu bảo phủ chế độ hưu trí đến số đông người lao động, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số như hiện nay.

"Để đạt bao phủ 60% lực lượng lao động tham gia BHXH và 60% người cao tuổi có lương hưu vào năm 2030, cần có những giải pháp cải cách mạnh mẽ", ông Christophe Lemiere đánh giá cao vai trò của việc xây dựng, sửa đổi chính sách, song vẫn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức thực hiện chính sách.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/de-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-hap-dan-hon-1093868.html