Dạy môn tự chọn theo lớp riêng ở bậc THPT: Hay, nhưng khó khả thi

Đánh giá chủ trương tổ chức lớp học theo từng môn học, chuyên đề lựa chọn ở bậc trung học phổ thông là rất tốt, nhưng hiệu trưởng các trường cho rằng còn khá nhiều bất cập.

Học sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2023-2024, với chủ trương khuyến khích các trường trung học phổ thông tổ chức lớp học theo từng môn học, chuyên đề lựa chọn. Cho rằng nếu triển khai được theo cách này sẽ rất tốt, nhưng hiệu trưởng các trường trung học phổ thông nhận định khó khả thi.

Không đủ phòng học để triển khai

Thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho rằng khi tổ chức lớp riêng theo từng môn, chủ đề lựa chọn sẽ giống như việc dạy tín chỉ ở bậc đại học. Điều này giúp học sinh chủ động lựa chọn môn học linh hoạt hơn so với cách chọn theo tổ hợp môn như hiện nay. Giáo viên cũng sẽ có động lực để nỗ lực vì sẽ được học sinh đánh giá thông qua chính sự lựa chọn môn học của các em.

Tuy nhiên, cách này lại rất khó triển khai trên thực tế vì trường không đủ phòng học và đội ngũ giáo viên. “Ví dụ, một môn học có nhiều học sinh đăng ký thì sẽ phải tổ chức nhiều lớp học, nhiều giáo viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu của học sinh,” thầy Châu nói.

Vì thế, thầy Châu cho rằng cách làm này chỉ phù hợp với các trường học có quy mô học sinh nhỏ, khoảng dưới 1.000 em, với số lượng phòng học và đội ngũ giáo viên nhiều hơn.

Đối với Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, đây được coi như là "điệp vụ bát khả thi," bởi trường hiện có hơn 2.000 học sinh. Trước đây, trường có 36 lớp nhưng hiện nay, do áp lực tăng số lớp để đáp ứng nhu cầu người học, số lớp đã tăng lên 45 lớp. Lực lượng giáo viên vì thế không đáp ứng đủ nhu cầu. Trường đang thiếu đến 20 giáo viên và phải ký hợp đồng bên ngoài.

“Có lẽ nắm rõ thực tế này nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ khuyến khích các trường tổ chức theo lớp riêng cho các môn, chuyên đề lựa chọn chứ không bắt buộc. Các trường linh hoạt thích ứng theo điều kiện riêng của trường mình,” thầy Châu chia sẻ.

Cùng quan điểm này, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) nhận định nếu làm được như Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích là rất tốt nhưng khó triển khai do không bảo đảm về số phòng học, vướng về biên chế, quy định tính thừa giờ, chế độ làm việc của giáo viên.

Số phòng học không đủ để đáp ứng nhu cầu là một trong những thách thức lớn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Theo tính toán của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, để thực hiện được việc tổ chức lớp học như Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích, các trường cần có tỷ lệ từ 0,8 phòng/lớp trở lên.

Khó bố trí giáo viên

Bên cạnh cơ sở vật chất, một bài toán khó giải quyết khác sẽ xảy ra là việc thừa và thiếu giáo viên giữa các môn học.

Từ kinh nghiệm thực tế khi triển khai cho học sinh chọn tổ hợp môn học một vừa và với học sinh lớp 10 mới đây, thầy Đoàn Minh Châu cho nếu tổ chức lớp riêng theo từng môn để học sinh lựa chọn, sẽ có những môn có rất nhiều em chọn, nhưng có môn rất ít học sinh hoặc thậm chí không có học sinh lựa chọn. Khi đó, trường sẽ rất khó xử lý vì môn nhiều học sinh chọn thì phải bố trí nhiều lớp hơn, thầy cô thừa giờ, trong khi môn ít học sinh chọn thì giáo viên thiếu giờ dạy so với quy định. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng phức tạp theo.

Tại trường Trung học phổ thông Việt Đức, trong buổi gặp gỡ học sinh và phụ huynh khối 10 đầu năm học mới 2023-2024 này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường đã phải tuyên truyền với phụ huynh về việc chọn môn học một cách cân đối hơn, không nên thiên lệch về các môn khoa học xã hội.

Cô Quỳnh cho biết thực tế năm học 2022-2023 cho thấy học sinh và phụ huynh của trường có xu hướng e ngại với môn khoa học tự nhiên, trong khi đây là môn khoa học cơ bản rất quan trọng. Vì vậy, trong cách sắp xếp tổ hợp của nhà trường năm nay, bên cạnh việc nghiên cứu theo tổ hợp xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, trường đã phải tính đến sự cân đối giữa môn khoa học tự nhiên và môn khoa học xã hội, không tổ hợp nào hoàn toàn chỉ gồm một lĩnh vực.

Đây cũng là chia sẻ của thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Thầy Dỵ cho biết trong việc lựa chọn tổ hợp môn học của học sinh, trường vẫn phải có định hướng để đảm bảo nhân sự.

“Nếu để học sinh tự chọn hoàn toàn, sẽ có những môn rất ít em chọn. Khi đó, chúng tôi cũng không thể để giáo viên môn ít được chọn ngồi chơi vì họ biên chế ở trường, cũng không có tiền để trả thêm cho các giáo viên phải dạy quá giờ vì được nhiều học sinh chọn,” thầy Dỵ chia sẻ.

Theo đó, thầy Dỵ cho biết trong xây dựng tổ hợp môn học, trường cũng phải tính toán, cân đối, bố trí hợp lý giữa các môn dự kiến sẽ được nhiều em chọn và môn ít được chọn. Bên cạnh đó, trong quá trình học sinh đăng ký tổ hợp, trường còn phải vận động các em để cân đối số lượng học sinh giữa các tổ hợp, dù điều này có thể khiến các em không thoải mái, cũng không thực hiện được đúng tinh thần của chương trình mới là cho các em được chọn môn muốn học.

Với những khó khăn từ thực tế, hiệu trưởng các trường cho rằng việc tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học/chuyên đề học tập lựa chọn, linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh như hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điều các trường cần hướng tới và mong muốn hướng tới, nhưng rất khó thực hiện với các trường công, vốn không được chủ động nhân sự, cơ sở vật chất hạn chế, số học sinh đông.

“Điều này, có lẽ chỉ các trường ngoài công lập mới có thể thực hiện được khi họ có số học sinh ít, có thể loại bớt giáo viên môn học sinh ít chọn và được chủ động linh hoạt trong trả lương,” thầy Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/day-mon-tu-chon-theo-lop-rieng-o-bac-thpt-hay-nhung-kho-kha-thi/888546.vnp