Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với nhiều lợi thế trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã giúp ngành chăn nuôi phát triển nhanh, góp phần quan trọng trong việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, trong những năm qua, vùng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có trong lĩnh vực này.

Sản xuất trứng gà xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Ðạt, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh TỪ ANH TUẤN)

Bài 1: Phát triển nhanh theo hướng bền vững

Thời gian qua, nhiều địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã chú trọng phát triển ngành chăn nuôi chuyển dịch nhanh theo hướng bền vững, xây dựng cơ sở, chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh, đồng thời kết hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu... qua đó bước đầu đạt được kết quả tích cực trong xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Trong những năm qua, chăn nuôi tại Vùng kinh tế trọng điểm phía nam liên tục phát triển và tăng trưởng tốt. Ðặc biệt, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi liên kết đã giúp ngành chăn nuôi của vùng có bước phát triển nhanh, từng bước đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam trong thời gian qua có chuyển biến tích cực. Xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa đã tới gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu thịt gà chế biến tới bảy quốc gia, vùng lãnh thổ và đang đàm phán sang nhiều quốc gia khác; xuất khẩu trứng, sản phẩm trứng sang chín quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong, xuất khẩu thịt lợn đông lạnh, xuất khẩu tổ yến… đến nhiều quốc gia đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Trong đó, lợi thế xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, nhiều địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật. Cụ thể, Ðồng Nai là một trong những địa phương chăn nuôi lợn, gà lớn nhất cả nước, với tổng đàn lợn khoảng 2,15 triệu con và đàn gà 22 triệu con. Thời gian qua, địa phương đã xây dựng các chuỗi, vùng an toàn bệnh để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tỉnh đang duy trì chăn nuôi an toàn ở bảy vùng cấp huyện, với 650 trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh, 147 trang trại và bảy hợp tác xã có sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận VietGAP với sản lượng thịt hơn 160 nghìn tấn lợn, gà/năm.

Cùng với chú trọng xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tỉnh Ðồng Nai đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật. Trung bình các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 nghìn tấn/năm. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều hình thành được chuỗi sản phẩm theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, chăn nuôi theo chuỗi đã, đang được tỉnh, các nhà đầu tư chú trọng phát triển và đã có các chuỗi sản phẩm gà đạt điều kiện xuất khẩu. Hiện trên địa bàn tỉnh có 61 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 115 cơ sở chăn nuôi lợn được công nhận an toàn dịch bệnh. Tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gà tại sáu huyện, thị xã, thành phố: Ðồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Ðồng Phú và Bù Ðăng. Ðến nay, toàn tỉnh có 349 trại nuôi lợn (chiếm gần 92% tổng đàn lợn); 87 trại gia cầm (chiếm 57% tổng đàn).

Các trại gia cầm chủ yếu cho nuôi gia công hoặc cho các công ty, tập đoàn thuê chăn nuôi. Hiện, có hai đơn vị được xem là "cánh chim đầu đàn" của ngành chăn nuôi Bình Phước là Tập đoàn CP (Thái Lan) tại Việt Nam và Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam.

Tỉnh Bình Dương có tổng đàn lợn hơn 900 nghìn con (nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 60%); tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, (nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 70%). Trong hai tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cung ứng ra thị trường hơn 500 nghìn con lợn thịt và 3,9 triệu con gà thịt. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết: Ngành chăn nuôi của tỉnh đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật và sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh, cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Ðông Nam Bộ và có khả năng hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Tại tỉnh Long An hiện có hai loại hình chăn nuôi là doanh nghiệp nước ngoài (Công ty CP Imivest, Công ty GreenFeed) hợp đồng với 29 cơ sở nuôi gia công với tổng đàn thường xuyên khoảng 21 nghìn con lợn và 1 triệu gia cầm; doanh nghiệp trong nước (Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty TNHH San Hà, Công ty TNHH Thương mại chăn nuôi công nghệ cao Hoàn Hảo Vina) với tổng đàn hơn 2 triệu con. Tổng sản lượng doanh nghiệp chăn nuôi cung ứng thị trường hơn 350 tấn thịt lợn/tháng, 400 tấn thịt gia cầm/tháng và 20 triệu quả trứng/tháng. Ðối với việc nuôi yến hiện có khoảng 600 nhà yến, ước sản lượng là 2,5 tấn/năm. Trong thời gian tới sẽ phát triển và tham gia xuất khẩu sản phẩm từ yến là rất cao…

Chế biến thịt gà xuất khẩu của Công ty cổ phần CPV Food Bình Phước, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Ảnh HỒ BÁ SƠN)

Còn nhiều tiềm năng, lợi thế

Thực tế cho thấy, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam hiện có năng lực xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật mạnh nhất nước. Tại tỉnh Ðồng Nai, Công ty TNHH Koyu & Unitek (khu công nghiệp Long Bình) đi tiên phong trong cả nước để xuất khẩu thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Từ lô hàng thịt gà chế biến xuất khẩu đầu tiên năm 2017 vào một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, đến nay doanh nghiệp không ngừng mở rộng các dây chuyền, tăng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bình quân mỗi tháng công ty xuất khẩu 180 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Ðồng Nai) Lê Văn Quyết, Ðồng Nai có nhiều thuận lợi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Hiện, gà của hợp tác xã được doanh nghiệp tại địa phương bao tiêu chế biến, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến còn rất giàu tiềm năng, người chăn nuôi và doanh nghiệp đang nỗ lực tham gia để có đầu ra bền vững hơn.

Ngoài hệ thống với hàng chục trang trại nuôi lợn, năm 2020 Tập đoàn CP Thái Lan đã triển khai xây dựng, đưa vào chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt gà xuất khẩu tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (Công ty cổ phần CPV Food Bình Phước). Vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con mỗi năm; hiện tổ hợp này đang cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản (45%), châu Âu (35%), châu Á (10%) và Trung Ðông (10%), đem về nguồn ngoại tệ 100 triệu USD/năm trong giai đoạn I, 200 triệu USD/năm trong giai đoạn II.

Cuối năm 2020, Công ty cổ phần CPV Food Bình Phước bắt đầu xuất khẩu lô gà đầu tiên, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm gia cầm lớn trên thế giới. Năm 2021, đơn vị đã xuất khẩu được gần 220 tấn và quý I năm 2022 xuất khẩu đạt khoảng 50 tấn thịt gà đã qua chế biến sang Hồng Công (Trung Quốc), Lào và đang tiến hành các lô hàng xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tự hào là mô hình chuỗi khép kín xuất khẩu thịt gà với công nghệ vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, tạo tiền đề cho thực phẩm chăn nuôi Việt Nam vươn ra thế giới". Còn chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn hướng tới xuất khẩu của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam được xây dựng trên địa bàn huyện Phú Riềng (Bình Phước), diện tích 40 ha, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng nhằm cung ứng nguồn thịt sạch, an toàn cho thị trường.

Với quy mô 24 khu chuồng trại đạt công suất 48 nghìn con lợn thịt, dự án dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường hơn 100 nghìn con lợn, tương đương hơn 11 nghìn tấn mỗi năm. Ông Arif Widjaja, Tổng Giám đốc Công ty Japfa Việt Nam cho biết: "Ðây là trại lợn tiên phong tại Việt Nam được thiết kế và xây dựng theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Chúng tôi sẽ góp phần hoàn chỉnh chuỗi chăn nuôi khép kín từ di truyền, nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, quy cách chuồng trại, tiêu chuẩn dinh dưỡng và an toàn sinh học".

Ngoài ra, để xuất khẩu chính ngạch từng bước thuận lợi, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hỗ trợ tỉnh Tây Ninh xây dựng chuỗi sản xuất trứng gà quy mô hiện đại của Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources, xuất đi Hồng Công (Trung Quốc). Bà Nguyễn Thị Bích Hoa, phụ trách quản lý chất lượng công ty cho biết: "Ðược sự hỗ trợ của Cục Thú y và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, chúng tôi đã vận hành hệ thống này, có công suất tối đa một ngày có thể lên đến một triệu trứng, phần trăm tự động hóa cao, trứng được phân loại ngay từ đầu và theo đúng kích cỡ cài đặt, có thể truy vết được sản phẩm.

Ðây là tiền đề quan trọng giúp công ty và nông dân Tây Ninh tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng quy mô sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường trong nước và thế giới. Theo đó, thực hiện quy trình chăn nuôi tiên tiến đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, từ cuối năm 2013 đến nay, trứng cút của Hợp tác xã chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã xuất sang thị trường Nhật Bản thông qua Công ty rau quả Tiền Giang.

Ông Trần Nguyễn Hồ, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ cho biết: "Với khoảng 500 nghìn chim cút đẻ trứng, mỗi ngày hợp tác xã xuất ra thị trường hơn 300 nghìn trứng; trong đó, khoảng 50% số trứng được chuyển sang Nhà máy đông lạnh hàng nông sản xuất khẩu Long Ðịnh (Công ty rau quả Tiền Giang) để đóng hộp xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ mạnh và ổn định, hợp tác xã đã xây dựng vệ tinh chăn nuôi bằng cách đầu tư cho nhiều hộ khác nuôi chim cút như: hỗ trợ vốn qua con giống, chuồng, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm…".

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm hơn 30 năm kinh doanh trứng gia cầm thương hiệu Việt để chinh phục thị trường thế giới, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Ðạt (V.Food) tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã quyết định mở rộng chuỗi liên kết, đầu tư thêm nhà máy chế biến trứng gia cầm tại một số địa phương lân cận. Cuối năm 2021, trứng gà của V.Food có thêm dòng sản phẩm mới đạt chuẩn chăn nuôi nhân đạo của thế giới, được tổ chức phi lợi nhuận Human Farm Animal Care (HFAC) ở Mỹ cấp giấy chứng nhận.

Ông Trương Chí Thiện Giám đốc V.Food cho biết: Sản phẩm mới là cơ hội để ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Nhờ thực hành chăn nuôi tốt, sản phẩm trứng của doanh nghiệp đạt được những yêu cầu khắt khe những thị trường khó tính, ngoài bán lẻ cho thị trường nội địa, công ty còn cung ứng trứng gà làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu...

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên Cơ quan thường trực thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/day-manh-xuat-khau-san-pham-chan-nuoi-693766/