Đẩy mạnh liên kết '3 nhà', xây dựng thương hiệu sản phẩm

Chương trình công tác năm 2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh nông sản... với các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh liên kết '3 nhà' nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường đặc biệt là xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh, vùng và quốc gia.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Năm 2018, để khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững, HÐND tỉnh Ðồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 143 quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng tối đa 10 tỷ đồng/dự án.

Đồng Nai trở thành “thủ phủ” trồng chuối xuất khẩu với 30 vùng trồng với diện tích 5.669ha và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số. Ảnh: ITN

UBND tỉnh Ðồng Nai cũng quy định khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn. Nhờ các chính sách hỗ trợ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

Ngày 20.6.2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND về sơ kết 5 năm (2018 - 2023) thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Trước đó, Kế hoạch số 12766/KH-UBND về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025 cũng đặt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.

Chủ trương của tỉnh Đồng Nai khẳng định, giai đoạn tiếp theo của công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chuyển đổi số, công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, du lịch môi trường rừng, nông lâm kết hợp để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, môi trường sống cho người dân ở khu vực nông thôn, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Theo đó, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản lên 3 - 3,5%, cụ thể, trồng trọt tăng 2 - 2,2%; chăn nuôi tăng 4,5 - 5%; thủy sản tăng 4,5 - 4,7%; lâm nghiệp tăng 2,7 - 2,9%; GRDP nông lâm thủy sản tăng 2,8 - 3,2%; giá trị sản xuất trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 146 triệu đồng/ha/năm; sản lượng thịt hơi các loại 677.710 tấn; sản lượng thủy sản 76.000 tấn.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp với diện tích tự nhiên gần 600.000ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm trên 350.000ha, hơn 60% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2022, Đồng Nai đã nhân rộng được 68 mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hợp tác trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với 181 chuỗi liên kết có sự tham gia của 97 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã và 31 cơ sở, hơn 12.540 hộ sản xuất.

Đặc biệt một số mô hình nổi bật như sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức; chuỗi chuối của Công ty TNHH Dịch vụ - Nông nghiệp Lộc Trời với quy mô 68ha, có sự tham gia của 123 nông hộ (huyện Định Quán); chuỗi bắp làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đồng Tây (huyện Cẩm Mỹ), quy mô hơn 400ha; chuỗi sầu riêng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Toàn Thắng, quy mô 6.000 tấn/năm...

Song, kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do năng lực sản xuất kinh doanh chưa đồng bộ, đầu ra cho sản phẩm còn thụ động dẫn đến thu nhập của nông dân bấp bênh. Mới đây, tại hội thảo đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2023 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững”, đại diện các HTX, nông dân đã nêu ra khó khăn, vướng mắc ở một số vấn đề như giá vật tư đầu vào tăng cao, đầu ra nông sản, sản phẩm chăn nuôi bấp bênh trên thị trường.

Để giải những bài toán trên Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh ‘liên kết 3 nhà’ sâu rộng, chặt chẽ hơn trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; Phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt chăn nuôi heo hữu cơ, an toàn sinh học; Phát triển mô hình nuôi tôm, cá hữu cơ; Hợp tác bồi dưỡng, tập huấn về quy trình kỹ thuật, công tác quản lý các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Hợp tác chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho sản xuất nông nghiệp và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ, đặc biệt là quảng bá, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Đồng Nai sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng nhấn mạnh nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu của các nước trên thế giới khi nhu cầu về lượng lương thực giảm đi, trong khi nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường ngày càng được chú trọng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện mang lại nhiều lợi ích hơn, giá trị kinh tế cao hơn, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, vừa mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân. Điền hình cho công tác liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp sạch, ngày 5.3.2022, Đồng Nai đã ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn Quế Lâm. Theo chương trình ký kết, từ nay đến 2025, Đồng Nai sẽ hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm triển khai các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở 3 lĩnh vực mà Đồng Nai hiện đang có lợi thế là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/day-manh-lien-ket-3-nha-xay-dung-thuong-hieu-san-pham-i335995/