Dấu hỏi minh bạch ở dự án xe đạp in 3D của Lê Diệp Kiều Trang

Block khách hàng đặt câu hỏi, nói tặng nhưng email cảm ơn khách đã mua hàng, người nhận xe phải nộp thuế... là những vấn đề chưa rõ khiến cho những chiếc xe đạp in 3D Superstrata của bà Lê Diệp Kiều Trang vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Câu chuyện xuất phát từ hành động “block”

Năm 2020, những chiếc xe đạp in 3D Superstrata của Arevo bắt đầu được ra mắt, ngay sau đó dự án này được đưa lên Indiegogo (một nền tảng gọi vốn cộng đồng trong khởi nghiệp) để tiến hành gọi vốn.

Lúc đó, có nhiều người Việt đã ủng hộ cho startup này, trong đó anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị mạng xã hội Tinh tế cũng được mời mua sản phẩm.

Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Hiệp cho biết, năm 2022, sau hơn một năm với nhiều lần thất hẹn giao hàng, anh nhận được chiếc xe Superstrata và cho biết xe hoàn thiện với chất lượng kém, thậm chí cây ti bánh trước không thể gắn vào được nên xe không thể chạy. Bên cạnh đó, các linh kiện theo xe là hàng chất lượng thấp và sơn nhiều chỗ bị bong tróc.

Chiếc xe đạp bị lỗi của anh Trần Mạnh Hiệp. Ảnh: Tinh tế

Ngay sau đó, anh Trần Mạnh Hiệp quay video hình ảnh chiếc xe đưa lên mạng xã hội, đồng thời cũng hỏi bên phía dự án Arevo nhưng không nhận được câu trả lời.

Một khách hàng khác tại TP.HCM là anh Huỳnh Trúc Lâm, cũng cho biết, hai chiếc xe đạp của mình (mua 1 và được tặng 1) cũng không thể chạy được vì sự cố bị xì lốp xe liên tục.

Bẵng đi một thời gian, bà Lê Diệp Kiều Trang, chủ dự án xe đạp công nghệ in 3D Arevo xuất hiện trở lại giới thiệu một dự án startup mới. Thông qua post trên mạng xã hội Facebook, anh Trần Mạnh Hiệp đã hỏi bà Lê Diệp Kiều Trang còn sản xuất xe đạp không? Kết quả ngay sau đó đã bị “block” (chặn) tài khoản.

Chính thái độ của người sáng lập Arevo đã khiến anh Trần Mạnh Hiệp cảm thấy cần phải chia sẻ lại câu chuyện về chiếc xe đạp này với người dùng. Câu chuyện được nhắc lại và ngay lập tức, rất nhiều khách hàng mua xe trong nước cũng như quốc tế từ dự án này cho biết, họ phải rất lâu mới nhận được xe và đa phần xe chất lượng kém không thể sử dụng được. Nhiều bình luận trên Indiegogo đã tố dự án này “lừa đảo”.

Đáng chú ý, ngay sau đó nguồn tin từ Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, dự án sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu Polyme sợi carbon của Arevo Việt Nam – Công ty TNHH Arevo Việt Nam đã chấm dứt hoạt động được đầu tư tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Bà Lê Diệp Kiều Trang nói gì?

Trước những phản ánh về sản phẩm của mình, trả lời báo Thanh Niên, bà Lê Diệp Kiều Trang đã thừa nhận vì lí do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên sau khi Arevo in 3D xong sườn xe, đã bắt đầu đưa sườn xe sang cho nhà thầu gia công để sơn và lắp ráp. Lúc này, những đơn vị gia công bên ngoài đã đóng cửa gần hết vì không trụ được sau đại dịch.

Công ty cũng cố gắng hết sức tìm những đơn vị gia công khác, nhưng chất lượng công nhân không còn được như trước. Chính vì vậy, sản phẩm về mặt hoàn thiện trong giai đoạn này không tốt. Không chỉ trong nước, mà ở nước ngoài cũng chê sản phẩm không đẹp, dù sau rất nhiều nỗ lực của cả mấy trăm con người…

Bà Lê Diệp Kiều Trang thời còn làm giám đốc GoViet. Ảnh: GoViet

Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng thừa nhận, sản phẩm Arevo cho đến thời điểm này vẫn còn là sản phẩm trong giai đoạn R&D, chưa đến được giai đoạn thương mại hóa, và vì vậy chắc chắn nó còn rất nhiều khiếm khuyết.

Đồng thời, bà cũng giải thích đây là dự án gọi vốn cộng đồng, nghĩa là nơi các công ty khởi nghiệp, các nhóm nghiên cứu đưa ra một ý tưởng sản phẩm (chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng), kêu gọi cộng đồng "tài trợ" cho dự án, nghĩa là tặng cho dự án một khoản tiền, để công ty có đủ nguồn lực nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Khi công ty làm ra được sản phẩm, công ty sẽ "tặng" lại cho các nhà tài trợ những sản phẩm đầu tay của mình. Vì đây là khoản tài trợ cho một dự án còn rất nhiều rủi ro, có rất nhiều công ty/dự án không đến được đích cuối cùng và nhà tài trợ không bao giờ nhận được sản phẩm. Các "nhà tài trợ" này trước khi ủng hộ tiền, đều đã đồng ý với Indiegogo, họ hiểu đây là những khoản "tài trợ".

Đối với người dùng Việt Nam, có lẽ do thấy giao diện của các đơn vị gọi vốn cộng đồng này khá giống với giao diện thương mại điện tử, nên khi có những thông báo bằng tiếng Anh giải thích rõ đây là "donation" (tài trợ) chứ không phải là "shopping" (mua hàng) đã bỏ qua, không lưu ý. Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, đây là điểm mấu chốt khác biệt về kỳ vọng dẫn tới những lùm xùm trong thời gian qua.

Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng cho biết, cả 2 vợ chồng đã không còn điều hành dự án từ đầu năm 2023 nên không thể trả lời các phản hồi của người dùng về sản phẩm (Có lẽ vì vậy nên bà Lê Diệp Kiều Trang đã chọn hành động “block” các ý kiến phản ánh về sản phẩm trên Facebook?).

Không hiểu sai nhưng bất bình về thái độ

Trả lời VietNamNet, anh Trần Mạnh Hiệp cho rằng, việc bà Lê Diệp Kiều Trang nói người dùng Việt Nam hiểu sai hoạt động "tài trợ" thành mua bán trên Indiegogo, là hoàn toàn không đúng.

"Kiểu gì đây cũng là hoạt động mua bán, còn indiegogo dùng từ ngữ hay nhà bán hàng cố gắng nói từ ngữ khác đi chỉ để lấp liếm, bởi email bên Arevo gửi cho mình là link mời mua hàng, không dùng từ tài trợ (donate). Tiếp theo khi tiến hành mua hàng trên Indiegogo thì mình nhận được email hóa đơn xác nhận và cảm ơn vì đã mua hàng (Thank you for shopping), bên cạnh đó còn phải đóng thuế giá trị gia tăng từ hóa đơn của công ty Arevo gửi qua", anh Hiệp chia sẻ.

Hóa đơn xác nhận đặt hàng những người mua xe đạp Superstrata nhận được. Ảnh chụp màn hình.

Cùng quan điểm, anh Huỳnh Trúc Lâm cho biết, sau khi chọn mua và thanh toán trên Indiegogo, nền tảng này đã chuyển khách hàng qua trang mua bán xe Superstrata. Khi đặt hàng xong, họ gửi email xác nhận đặt hàng và ghi rõ cảm ơn người dùng đã mua hàng chứ không phải là "tài trợ".

Cụ thể, anh Lâm mua một chiếc xe đạp Superstrata giá 3.999 USD, được tặng thêm một chiếc đi kèm, anh cũng phải đóng 799,80 USD tiền thuế. Theo anh Lâm, đây là hoạt động mua bán và cơ quan thuế tính trên giao dịch rất cụ thể. Tuy nhiên, anh Huỳnh Trúc Lâm thắc mắc mức thuế này rất khó hiểu, trong khi anh mua 1 tặng 1 nhưng phải đóng thuế cho giá trị cả chiếc xe được tặng và khoản thuế này được đóng tại Mỹ.

Phần khó hiểu nữa là trên Indiegogo thông báo đây không phải là hoạt động mua bán. Tuy nhiên, bên Superstrata lại cảm ơn vì khách đã mua hàng!?

Cả anh Trần Mạnh Hiệp và anh Huỳnh Trúc Lâm đều chia sẻ, thực tế họ cũng không muốn đưa sự việc này lên cộng đồng và chấp nhận mất tiền cho các sản phẩm xe đạp lỗi, xem đây như là một sự ủng hộ cho startup Việt. Tuy nhiên, khi thấy bà Lê Diệp Kiều Trang tiến hành “block” mình trên mạng xã hội và không trả lời các thắc mắc về dự án xe đạp, trong lúc đó lại giới thiệu startup mới, nên họ cảm thấy rất bất bình.

Có một thực tế, những người làm startup Arevo cũng đã không rõ ràng ngay từ đầu. Bởi khi người ủng hộ dự án mua những chiếc xe Superstrata thắc mắc về việc giao hàng và lỗi từ sản phẩm, thậm chí đưa ra các bình luận nặng nề như tố “lừa đảo”, nhưng họ vẫn im lặng.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa nhà máy cũng như việc vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang đã rời khỏi dự án cũng không được thông báo đến cộng đồng một cách rộng rãi như thời điểm ra mắt.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-hoi-minh-bach-trong-du-an-xe-dap-in-3d-cua-le-diep-kieu-trang-2161512.html