Dấu hiệu pháp lý của Tội hành nghề mê tín, dị đoan?

Báo BVPL có bài 'Trụ trì chùa Ba Vàng bị xử lý vì bày cách 'hóa giải' virus Corona' và giải đáp pháp luật 'Hành vi hành nghề mê tín, dị đoan phải chịu những loại trách nhiệm gì?', tôi xin hỏi dấu hiệu pháp lý của Tội hành nghề mê tín, dị đoan? ( Trần Đình Thức, Yên Thế, Bắc Giang)

Điều 320 Bộ luật hình sựvề Tội hành nghề mê tín, dị đoan quy định:

“1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bịphạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Dấu hiệu pháp lý

Mặt khách quan

Hành vi khách quan:
Người phạm tội thực hiện hành vi hành nghề mê tín, dị đoan bằng các hình thức như: Bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.
Mê tín, dị đoan là tin vào một điều không có căn cứ, không có cơ sở khoa học, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa .
Hành nghề mê tín, dị đoan là hình thức kiếm tiền bằng việc bói toàn, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác. Nếu việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác chỉ có tính chất nhất thời hoặc không vì mục đích lấy việc bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác để kiếm tiền thì không gọi là hành nghề.
Bói toán là đoán về quá khứ và tương lai. Có nhiều kiểu bói như: Đoán quẻ trong kinh dịch (bói dịch); gieo quẻ bằng ba đồng tiền (bói gieo, bói quẻ); căn cứ vào ngày tháng năm sinh, vào chỉ tay, lông mày, nốt ruồi hoặc các đặc điểm khác trên cơ thể để đoán số mệnh (bói số); rút thẻ rồi căn cứ vào các bài thơ, đoạn văn ghi sẵn trong số thẻ rồi đoán (bói thẻ),...
Đồng bóng là hình thức cúng lễ, có người cho thần thánh, hồn ma nhập vào (người ngồi đồng) rồi thông qua người này đề nói về quá khứ, hiện tại, tương lai của người sống như là “thánh phán”. Hình thức mê tín, dị đoan này chủ yếu xảy ra ở các đền, chùa hoặc ở nhà riêng của người hành nghề mê tín, dị đoan (lập điện thờ).

Dấu hiệu khác:

Gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Những trường hợp sau đây được coi là gây hậu quả nghiêm trọng:

Gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của ngưòi khác. Nếu người thực hiện một trong các hành vi trên nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Gây mất trật tự an toàn công cộng.

Trong trường hợp tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, khi xác định hành vi hành nghề mê tín, dị đoan cần phân biệt với đời sống tâm linh, quyền tự do tín ngưỡng; mê tín, dị đoan bị Nhà nước cấm, còn tự do tín ngưỡng là quyền của mọi người được pháp luật bảo vệ.

Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự công cộng, ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này vớilỗi cố ý.

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia làm hai khung, cụ thể như sau:

- Khung một (khoản 1)

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khung hai (khoản 2)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hình phạt bổ sung (khoản 3)

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Luật sư: Nguyễn Văn Lâm (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/giai-dap-phap-luat/dau-hieu-phap-ly-cua-toi-hanh-nghe-me-tin-di-doan-82032.html