Dấu ấn Địa điểm ghi danh các vị trấn thủ vùng đất Hồng Ngự

Địa điểm ghi danh các vị trấn thủ vùng đất Hồng Ngự (viết tắt là Địa điểm ghi danh) tọa lạc phường An Thạnh, TP Hồng Ngự vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Việc xếp hạng Di tích Địa điểm ghi danh là sự khẳng định đánh dấu chủ quyền lãnh thổ vùng đất biên cương cho các thế hệ mai sau.

Bia tưởng niệm các vị tiền nhân trấn thủ vùng biên ải Hồng Ngự

Nét độc đáo của di tích lịch sử

Theo một số tài liệu, vùng đất Hồng Ngự ngày nay (ban đầu gọi là Hùng Ngự) trải qua hai thế kỷ đã dần thay da đổi thịt, ngày càng phát triển không ngừng. Từ chốn hoang địa dần dần quy dân lập ấp, khai thác nguồn lợi thiên nhiên, tạo nên xóm làng trù phú. Hơn 200 năm trước, vùng biên địa Hồng Ngự từng được các võ quan của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trấn nhậm, đã thống lĩnh quân binh triều đình và bao thế hệ dân binh Hồng Ngự trải qua bao phen chinh chiến, giữ yên bờ cõi đất phương Nam.

Để có được vùng đất Hồng Ngự hưng thịnh như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã đổ bao nhiêu xương máu, thậm chí cả sinh mạng để khai khẩn, đấu tranh giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Cụ thể là những nhân vật đã từng giữ nhiệm vụ quản thủ vùng đất này dưới triều Nguyễn gồm: Khâm sai Cai cơ Nguyễn Đức Thành, năm Nhâm Tý (1792); Cai cơ Trương Phước Quyền, năm Quý Dậu (1813); Khâm sai Cai cơ Thất ngọc hầu Hồ Văn Thất, năm Đinh Sửu (1817); Khâm sai Cai cơ Nhị thành hầu Võ Văn Sáng, năm Mậu Dần (1819); Ngoại ủy Quản cơ Lê Văn Chánh, năm Bính Tuất (1826); Phó Vệ úy vệ Tiền bảo nhất Đặng Phước Cần, năm Kỷ Sửu (1829).

Ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công khai hoang, bảo vệ vùng đất Hồng Ngự, Địa điểm ghi danh được khởi công xây dựng vào ngày 23/9/2020 và hoàn thành vào ngày 22/12/2020, với tổng diện tích 20.583,9m². Vị trí nằm kế quảng trường Võ Nguyên Giáp, tuyến đường nối liền với đường Nguyễn Tất Thành, ngay trung tâm TP Hồng Ngự. Với thiết kế không gian thoáng đãng, có hệ thống cây xanh vừa tạo cảnh quan vừa mang đến không khí trong lành, vị trí giao thông rất thuận tiện. Đây cũng là “Địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho học sinh và Nhân dân địa phương và được xem là “cột mốc” khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi miền biên viễn.

Địa điểm ghi danh gồm: Nhà bia tưởng niệm và hệ thống công viên. Nhà bia tưởng niệm được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống, lợp ngói mũi hài, góc mái nhô cao cùng các đầu đao cong vút tại mỗi vị trí trên bốn góc cách điệu hình tượng như những con rồng uốn mình, ngẩng đầu vươn cao quay về 4 hướng. Từ đó, tạo nên nét duyên dáng nhưng không kém phần khỏe khoắn, trang trọng, tạo sự tôn nghiêm cho nhà bia. Bia tưởng niệm được làm bằng chất liệu bê tông, tất cả đều sơn son thếp vàng. Trên đỉnh bia trang trí chạm khắc nổi các đề tài: vân cuộn, hình tượng thái cực đồ và hoa lá cách điệu. Xung quanh mặt bia được bao bọc bởi khung đường viền là các hoa văn cổ điển cùng với hoa sen cách điệu, thể hiện niềm tôn kính, trân trọng các bậc tiền nhân.

Đặc biệt, khu công viên nằm phía sau nhà bia tưởng niệm, liền kề quảng trường Võ Nguyên Giáp, là cầu nối giữa 2 tuyến đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai, xung quanh là khuôn viên cây xanh tạo nên điểm nhấn để tôn lên giá trị, nét đẹp cho công trình. Hệ thống hoa viên trong di tích được tính toán, thiết kế bao quanh các hạng mục công trình làm cho cảnh quan công trình trở nên mềm mại, uyển chuyển một cách hài hòa và khoa học hơn. Bao bọc xung quanh khuôn viên là các cây xanh, bồn hoa được thiết kế theo kiểu đối xứng nhau, làm tăng giá trị thẩm mỹ trong công trình kiến trúc, tạo vẻ mỹ quan đô thị mang đến cảm giác thư thái, thoải mái hơn cho con người.

Địa điểm ghi danh có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, còn là một tác phẩm chạm khắc mỹ thuật với nhiều chi tiết, biểu trưng và biểu tượng mang tính thẩm mỹ, cũng như có giá trị nghệ thuật cao. Ngoài ra, các hạng mục công viên, khuôn viên cây xanh trong Địa điểm ghi danh được kết hợp một cách khéo léo, cân đối, hài hòa về màu sắc và biểu tượng làm tăng thêm tính thẩm mỹ và giá trị cho di tích.

Một góc của Địa điểm ghi danh các vị trấn thủ vùng đất Hồng Ngự (Ảnh: CTV)

Hội tụ các giá trị truyền thống lịch sử

Theo Bảo tàng Đồng Tháp, trong công cuộc khai hoang, mở đất ở Nam bộ, các chúa Nguyễn đã hoàn thành quá trình thống nhất đất nước, nên việc xây dựng đồn thủ bảo vệ vững chắc lãnh thổ luôn được quan tâm. Trong đó, chú trọng lực lượng phòng thủ, bảo vệ chủ quyền nơi biên giới. Vấn đề trên đã đặt cơ sở cho việc thành lập những đơn vị hành chính nhằm ổn định tổ chức bộ máy chính quyền, lập đồn thuế và thu thuế. Điều đó cho thấy ngay từ buổi đầu, các chúa Nguyễn và vua triều Nguyễn ý thức được tầm quan trọng chiến lược của việc gắn liền chính trị - quân sự với kinh tế.

Việc bảo vệ các đồn thủ vùng Hồng Ngự thời triều Nguyễn đóng vai trò tích cực, quan trọng trong việc giữ gìn biên cương Tổ quốc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lưu dân khai phá vùng đất mới. Từ chốn hoang vu nô địa, qua công cuộc mở đất Tây Nam bộ của các chúa Nguyễn, vùng Tân Châu - Hồng Ngự trở thành những đồn thủ biên giới. Bằng bàn tay, khối óc sáng tạo của bao lớp lưu dân, nơi đây hình thành những làng quê trù phú và là một trong những vựa lúa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, vùng đất năm xưa khoác lên mình chiếc áo mới của thành phố vùng biên giới. Những đổi thay trong gần 300 năm hình thành và phát triển của miền biên viễn là công lao khai phá, dựng xây và bảo vệ của các tộc người cộng cư, trong đó không thể không kể đến các vị tiền nhân đã đổ biết bao công sức, xương máu để trấn giữ bảo vệ mảnh đất phên dậu phương Nam. Lịch sử hình thành vùng đất Hồng Ngự đã được ghi dấu vào Quốc sử những trang hào hùng, ghi dấu những công lao to lớn mà các bậc tiền nhân gầy dựng, điển hình là những nhân vật từng giữ nhiệm vụ quản thủ vùng đất biên giới này dưới triều Nguyễn.

Địa điểm ghi danh là nơi chứa đựng những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa. Đây thực sự trở thành “Địa chỉ đỏ” không chỉ thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, nhân vật tiêu biểu góp phần lưu giữ và chuyển tiếp các giá trị truyền thống cho thế hệ tương lai, mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Qua đó, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước, hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng, giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm và trân trọng công cuộc đấu tranh oai hùng của ông cha ta. Từ đó, có ý thức gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm hơn của tuổi trẻ hôm nay trên mảnh đất vùng biên cương trong thời kỳ mới. Đó là những hành động, việc làm thiết thực, là mốc son quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ mảnh đất vùng biên giới, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của quân và dân Hồng Ngự cho thế hệ mai sau.

Đặc biệt, Địa điểm ghi danh là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh trấn giữ vùng phên dậu phía Tây Nam hào hùng, kiên cường, bền bỉ, không khoan nhượng với kẻ thù của ông cha ta ngày xưa. Hơn thế nữa, di tích còn là công trình nghệ thuật mang đậm tính thẩm mỹ và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với thế hệ lưu dân và các quan tướng trấn nhậm đi trước đã không tiếc máu xương để giành độc lập tự do, ấm no cho đất nước.

Địa điểm ghi danh các vị trấn thủ vùng đất Hồng Ngự như lời tri ân, tôn vinh các nhân vật tiêu biểu có giá trị về lịch sử, văn hóa, góp phần lưu giữ và chuyển tiếp các giá trị truyền thống cho các thế hệ tương lai; giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống hào hùng của dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người dân hôm nay và các thế hệ mai sau. Đây sẽ là điểm sáng trong trang sử cách mạng của tỉnh trên mảnh đất vùng biên anh hùng, là mốc son quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của quân và dân Hồng Ngự nói riêng, là “cột mốc” thiêng liêng khẳng định chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

D.C - M.H

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/van-hoa/dau-an-dia-diem-ghi-danh-cac-vi-tran-thu-vung-dat-hong-ngu-122216.aspx