Đất lành phương Nam nhớ người gieo hạt

Hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) trước năm 1990 chủ yếu ở các tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Kể từ Đại hội III (1995- 2000) hội mới vươn tay đến các tỉnh, thành Nam Bộ, rộ nở cho đến nay.

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh (phải) tại Đồng Nai ngày 24-5-2017. Ảnh:T.L

Có thể hình dung, văn hóa dân gian ở Đồng Nai cùng các tỉnh, thành Nam Bộ như đất lành. Hoạt động của Hội VNDGVN như việc gieo hạt. Hạt giống tốt gieo ở đất lành, được chăm sóc, chắt chiu tạo nên vườn hoa thắm sắc hương, đáng để khoe duyên trong đại gia đình Hội VNDGVN.

Đất lành phương Nam

Về văn hóa, các nhà nghiên cứu đã xác định Nam Bộ là một vùng văn hóa có sắc thái riêng, dễ nhận thấy: đa dạng sinh thái (núi - rừng - sông - biển, nước ngọt - lợ - mặn); đa mô hình sinh sống (vườn - ruộng, đồi - rẫy, sông - hồ); đa chủ thể, đa dòng mạch văn hóa (Việt - Hoa - Khmer - Chăm - Âu Tây). Nam Bộ là vùng đất lành về kinh tế; hội nhập, kết tinh về văn hóa; có cốt lõi chung của Việt Nam, có sắc thái riêng của mình. Vùng đất lành này đang lung linh nhiều màu sắc, cũng đang rộng mở chờ đón những cơn gió mới, những đợt gieo trồng mới. Đó chính là sắc thái văn hóa rất Nam Bộ của người Nam Bộ.

Nhớ về GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, người Đồng Nai cùng Nam Bộ nhớ một nhà khoa học, một người thầy có công gieo hạt ở đất lành phương Nam về văn hóa dân gian với nhân cách tôn quý: trung thực, tận tâm, mẫu mực, bao dung, khiêm cung, nghiêm khắc… tất cả vì con người, vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc và văn hóa dân gian.

Từ thuở khẩn hoang, khai cơ; các bậc tiền nhân không chỉ chú trọng các công trình kinh tế - xã hội mà còn quan tâm đến văn hóa. Kể từ cột mốc 1975, nghiên cứu văn hóa dân gian theo quan điểm cách mạng, có khoảng 20 năm chập chững với những bước đi tự quản. Tiếp theo đó, nhiều công trình nối nhau ra đời.

Chặng đường 20 năm (1975-1995) khẳng định rằng, đất lành Nam Bộ đa dạng và phong phú di sản văn hóa dân gian; các nhà nghiên cứu ở Nam Bộ có nhiều tiềm năng, triển vọng, đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước đi ban đầu chập chững; chưa có định hướng của hội, chỉ có trái tim, tình yêu và ý chí dấn thân với văn hóa dân gian. Người nghiên cứu văn hóa dân gian có nhiều nỗi niềm độc hành, cần vòng tay truyền hơi ấm của tổ chức hội. Từ sau năm 1990, có hạt lành tổ chức Hội VNDGVN nảy mầm, kết hoa ở đất lành phương Nam.

Đất lành được gieo hạt nở hoa

Thời điểm 1995, trong tổng số 373 hội viên Hội VNDGVN có 22 hội viên ở Nam Bộ có tên từ nhiệm kỳ I và nhiệm kỳ II. Những hội viên này phần lớn tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, làm việc ở các viện nghiên cứu và các trường đại học. Chi hội VNDGVN được lập ở tỉnh đầu tiên có lẽ là Chi hội VNDGVN tỉnh Đồng Nai, năm 1990. Tháng 10-1987, hội viên Huỳnh Văn Tới (được kết nạp năm 1985) từ Hà Nội chuyển công tác về Đồng Nai, đăng ký sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, xúc tiến việc kết nạp thêm hội viên mới (Trần Hiếu Thuận, Đỗ Bá Nghiệp, Nguyễn Yên Tri, Phan Đình Dũng, Nguyễn Thị Tuyết Hồng), đề nghị Trung ương Hội ra quyết định thành lập chi hội 3 năm sau đó.

Tháng 3-1997, Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai tham mưu Hội VNDGVN phối hợp Sở Văn hóa thể thao tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học “Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa dân gian Đông Nam Bộ”, thu hút các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự. Đây là lần đầu tiên tập hợp được các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở Đông Nam Bộ trao đổi về vấn đề quan tâm chung: văn hóa dân gian. Trong dịp này, GS -TSKH Tô Ngọc Thanh, GS-TS Nguyên Xuân Kính và GS Trần Quốc Vượng chủ động việc giao tiếp, vận động thành lập các chi hội địa phương.

Tiếp theo việc ươm mầm ở miền Đông, Hội VNDGVN vươn tay đến các tỉnh miền Tây. Sau mỗi cuộc họp, hội thảo, tập huấn được phối hợp tổ chức ở địa phương là sự ra đời của chi hội, thêm nhiều hội viên, nhiều công trình như vườn đất mới được vun xới, gieo trồng giống mới.

Đến tháng 4-2000, Nam Bộ có 16 trong tổng số 61 tổ chức cơ sở hội. Đến Đại hội VII năm 2015, ở Nam Bộ có 187 hội viên (trong tổng số 1.313 hội viên toàn hội) sinh hoạt tại 19 chi hội (trong tổng số 78 tổ chức cơ sở hội toàn quốc), hơn 100 nghệ nhân đã được Hội VNDGVN xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian qua các đợt, hơn 300 công trình đã xuất bản (trong đó có gần 200 công trình đoạt các giải thưởng của Trung ương Hội), 72 đề tài công trình đã được hội hỗ trợ, 165 dự án đã được xét duyệt đầu tư do GS-TSKH Tô Ngọc Thanh kết nối bằng uy tín cá nhân.

Nhìn lại chặng đường phát triển, hội viên và tổ chức cơ sở Hội VNDGVN ở Nam Bộ bắt nhịp chậm hơn nhiều nơi khác, nhưng đất lành phương Nam hội đủ, hài hòa thiên - địa - nhân; được ươm mầm, gieo hạt, chăm sóc nên những nhân tố hội viên tích cực ở địa phương được phát huy, kết nối, trưởng thành tạo nên nhiều thành quả, nhiều hương sắc trong vườn hoa văn nghệ dân gian Nam Bộ.

Thương tiếc người đi gieo hạt

Ở mỗi thành quả gặt hái được, người Nam Bộ đều hiểu rõ, kính yêu và tri ân những người đi gieo hạt khai cơ, như GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng, GS-TS Nguyễn Xuân Kính. Trong đó, thầy Tô Ngọc Thanh với “nụ cười tỏa nắng răng khểnh” luôn đậm dấu ấn ân tình. Dấu chân thầy đã in khắp mọi miền ở Nam Bộ, hình ảnh của thầy luôn ấm lòng trong mọi hoạt động văn hóa dân gian ở Nam Bộ.

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh sinh ngày 24-6-1934 (mất ngày 24-4-2024), quê quán tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, từ bé được định hướng theo nghề vẽ, nhưng cuộc sống đưa đẩy theo con đường âm nhạc, có lẽ bắt đầu từ cảm xúc mê tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát.

Thiếu niên Tô Ngọc Thanh tham gia đoàn văn hóa kháng chiến Việt Bắc khi mới 13 tuổi. Tình yêu âm nhạc thôi thúc ông vào học Trường Âm nhạc Việt Nam (1953-1956) với thành tích trúng tuyển và tốt nghiệp loại giỏi. Tháng 9-1959 đến tháng 1-1963, ông là cán bộ nghiên cứu của Vụ Âm nhạc và múa của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch). Sau đó ông được tăng cường về Sở Văn hóa khu tự trị Tây Bắc 11 năm.

Từ năm 1974-1978 ông đi học nghiên cứu sinh ở Học Viện âm nhạc quốc gia Bulgaria, đạt học vị phó tiến sĩ. Năm 1979, ông công tác tại Viện Âm nhạc (Bộ Văn hóa); năm 1983 ông tiếp tục học nghiên cứu sinh bậc 2 ở Nhạc viện quốc gia Bulgaria, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tháng 5-1988.

Nhiều con đường thăng tiến mở ra, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh chọn con đường gắn kết với âm nhạc và văn hóa dân gian: 10 năm làm lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Phó viện trưởng và Viện trưởng); 30 năm “đứng mũi chịu sào” làm cho Hội VNDGVN hồi sinh và vươn đến tầm cao mới (1989-2020) với cương vị Tổng thư ký, Chủ tịch hội. Ngoài công vụ chính, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh còn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, như: Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng quốc tế Âm nhạc truyền thống ICTM của UNESCO, Hội viên Hội Nghiên cứu âm nhạc dân gian châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thư ký Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1996-2000), Phó chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (2010-2015), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III và IV.

Vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa tham gia công tác lãnh đạo nghiên cứu âm nhạc, ông là một trong những nhạc sĩ tài năng, có ý chí vượt lên trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người đời nhớ đến thầy Tô Ngọc Thanh với nhiều công đức trồng người hiếm thấy. Tự nhận là người học trò nhỏ của muôn nhà nhưng thầy lại là bậc thầy đầu ngành của lĩnh vực âm nhạc, nối nhịp sống cho nhiều giá trị văn hóa dân gian, truyền lửa sưu tầm, nghiên cứu với phong cách hài hòa bản sắc Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Âu. Thầy thông thạo nhiều ngoại ngữ và thông thuộc tiếng của nhiều tộc người.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202405/dat-lanh-phuong-nam-nho-nguoi-gieo-hat-4e843bf/