Đặt chân lên nấc thang nhà sàn...

Người miền núi, có hai 'ngưỡng chạm' đầu tiên trước khi bước chân vào nhà, đó là cổng chào và bậc thang lên xuống. Hành trình tạo dựng lối kiến trúc văn hóa truyền thống mang đậm giá trị đặc trưng ấy giúp họ chống chọi hiệu quả trước thiên tai, dịch bệnh, thú dữ, thậm chí là… kẻ thù.

Nhà gỗ người Cơ Tu còn lưu giữ bậc thang truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngõ vào nhà

Sau lần khai trương cách đây ít năm, ngôi nhà sàn của Pơloong Plênh ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) trở nên “hút” khách. Nhiều người tìm đến, trải nghiệm rồi mê mẩn lúc nào không hay.

Ai cũng muốn đặt chân bước lên nấc thang đã ám màu khói bếp.
Anh Pơloong Plênh nói, nhiều người thích thú không gian nhà sàn này chính bởi những nét cũ - là hiện vật văn hóa truyền thống luôn được anh lưu giữ và bày trí tỉ mỉ.

Một bên là bếp, phía trên bếp là giàn chứa củi, cùng các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt hơn nữa, những chiếc gùi, nỏ, trống, áo vỏ cây… đặt xung quanh góc nhà sàn, tạo cảm giác về không gian truyền thống bình dị, thân thuộc và đậm triết lý nhân sinh.

Tôi bước lên nhà sàn, đếm từng bậc thang mà cứ nghĩ như mình đang ở một nơi nào đó giữa thung sâu. Bên trong, bếp đã lên đỏ lửa. Mùi hương thoảng qua theo gió.

Bao bận ghé chân, tôi mê mải ngôi nhà sàn này. Ngay ở cách bố trí hai lối đi bằng bậc thang gỗ, chủ nhà đã khéo léo để chúng gặp nhau một điểm - đều hướng về bếp.

Bước lên hết các bậc thang, ngước nhìn lên, là không gian thờ. Ảnh Bác Hồ ở giữa, các vật dụng trang trí khác xung quanh, gồm ché, chum, thanh la… như góp thêm màu sắc cho căn nhà sàn độc đáo.

Anh Pơloong Plênh nói, người vùng cao thường xem bậc thang như ngõ chính vào nhà. Ngoại trừ nhà trệt sau này, tất cả không gian kiến trúc của cộng đồng, từ gươl, moong cho đến nhà sàn, nhà zơng (chòi rẫy) đều được xây dựng và lắp đặt bậc thang nối từ chân trụ ngôi nhà lên đến thành gỗ đặt sàn lót để nằm.

“Ngày trước, người Cơ Tu chỉ ở nhà sàn. Những bậc thang được làm kiên cố, vừa nâng cao tuổi thọ, vừa tạo dấu ấn riêng cho không gian của ngôi nhà” - Pơloong Plênh chia sẻ.

Hôm nọ, tôi ngược núi lên chòi rẫy của một người bạn. Giữa sương núi bồng bềnh, ngôi nhà sàn xinh xắn được dựng lên, bậc thang vững chãi tạo nên điểm nhấn cho điểm dừng chân cạnh bìa rừng.

Tối hôm đó, chúng tôi ở lại căn chòi, trong câu chuyện về núi, bạn ấp ủ hình thành điểm dừng chân trải nghiệm, khám phá cho những cuộc “săn mây” giữa rừng.

Giá trị sinh tồn

Trong hành trình ngược núi đầu năm, chúng tôi thức giấc ở ngôi làng của người Cơ Tu ở xã biên giới Ch’Ơm (Tây Giang). Làng mới được dựng lên trên mặt bằng sát sườn núi. Tất cả cửa nhà của người dân đều hướng ra gươl, khép kín theo vòng tròn.

Bên thềm bậc thang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Người Cơ Tu dựng căn bếp sát nhà chính nên thoạt nhìn, rất dễ lầm tưởng hai nhà riêng biệt. Căn bếp cũng khá rộng, được thiết kế theo lối nhà sàn truyền thống. Hệ thống bậc thang nối giữa hai căn nhà, tạo nét riêng giữa kiến trúc mới - cũ.

Sinh sống dọc dãy Đông Trường Sơn, người Cơ Tu và nhiều tộc người thiểu số khác đều lấy bậc thang làm đồ vật “trang trí” ngôi nhà.

Thông thường, người dân làm bậc thang bằng gỗ, với 2 dạng chính: gỗ nguyên khối và gỗ xẻ nhỏ xếp theo bậc. Từ những gỗ thân tròn, sau khi mang về, người thợ thường dùng rìu để tạo từng nấc thang theo hình cánh cung, đảm bảo chân trụ bằng phẳng để tránh gây trượt chân khi lên xuống.

Bậc thang kiểu này cũng thường hiện diện ở gươl và được chạm trổ khá cầu kỳ. Ngày trước, những phụ nữ mang thai không được lên bậc thang của gươl, một phần do nguy hiểm, phần khác người ta kiêng kỵ bởi gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của các vị thần.

Già làng Bhling Hạnh (thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang) cho biết, những bậc thang ở ngôi nhà người vùng cao, không đơn thuần là để đi lại thuận tiện. Chúng mang giá trị rất cao về mặt sinh tồn của cộng đồng.

Từ hàng trăm năm trước, khi dựng lên ngôi nhà, người vùng cao đã tính toán đến chuyện phòng ngừa thiên tai, cũng như sự tấn công của thú dữ. Vì thế, những ngôi nhà (thường là nhà sàn) có bậc thang càng vững chắc, mức độ an toàn càng cao.

“Hàng chục năm trước, người vùng cao chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay trong làng. Vì thế, không gian nhà cao ráo cũng nhằm mục đích đảm bảo vệ sinh, lại dễ quan sát. Sau này mới có chuồng trại, nhà sàn cũng dần chuyển đổi sang nhà trệt cho phù hợp kiến trúc theo mặt bằng mới” - già Bhling Hạnh nói.

Bây giờ, ở nhiều bản làng vùng cao, kiến trúc bậc thang truyền thống không còn nguyên vẹn nữa. Những phai nhạt đang dần hiện rõ. Nhiều công trình nhà ở bị biến dạng, đặc biệt là gươl.

Dù có thể chấp nhận xu thế mới, nhưng mỗi lần nhắc nhớ về kiến trúc cũ, nhiều già làng vùng cao, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số bày tỏ nhiều tiếc nuối.

Ký ức cũ, giá trị xưa nay chỉ còn trong hình ảnh tư liệu…

ALĂNG NGƯỚC

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/dat-chan-len-nac-thang-nha-san-3130994.html