Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 3]

Trong những năm 60 và 70 thế kỷ trước, khi những biến thiên xã hội gây đảo lộn trong văn hóa và văn học Mỹ, có những nhà văn vẫn gìn giữ những giá trị cơ bản, vẫn giữ cốt truyện cổ điển, văn phong trong sáng.

Từ những năm 1960, ranh giới giữa báo chí và các tác phẩm hư cấu bị xóa mờ. Truyện và tiểu thuyết - phóng sự mang nhãn hiệu “không hư cấu” (non fiction novels) kể về những sự kiện có thật bằng những kỹ thuật viết hư cấu đối thoại, tả cảnh, kịch tính, dùng tiếng lóng... Truman Capote (1924-1984) nhà văn tân lãng mạn miền Nam, kể lại vụ ám sát tàn bạo một gia đình nông dân trong Một cách lạnh lùng (In Cold Blood, 1966), Norman Kingsley Mailer (1923-2007) viết về con đường dẫn một người không thích ứng với xã hội đến tội phạm và tử hình trong Bài ca của kẻ hành hình (The Executioner’s Song, 1979).

Trong lĩnh vực sân khấu sau Thế chiến II, Arthur Miller gắn bó với sân khấu tiến bộ của những năm 30. Trong vở Cái chết của người chào hàng (Death of Salesman, 1949), ông nêu sự thất bại thảm khốc của một người Mỹ bình thường đầy ảo tưởng; ông viết về tâm lý bệnh hoạn, về nước Mỹ của tàn bạo, dục vọng, cuồng loạn trong Chiếc xe điện mang tên Dục vọng (A Streetcar named Desire, 1947). Edward Albee (1928-2016) tiêu biểu cho một khuynh hướng kịch nêu cái “vô lý” của cuộc đời; ông miêu tả quan hệ vợ chồng nảy lửa trong vở Ai sợ Virginia Woolf (Who’s Afraid of Virginia Woolf, 1962).

Phong trào phụ nữ những năm 1960-1970 thúc đẩy nhiều nhà văn nữ sáng tác. Thơ Sylvia Plath (1932-1963) và Anne Sexton (1928-1974) nói lên cái buồn của phụ nữ. Tiểu thuyết của Joan Didion (1934-2021), Erica Jong (sinh 1942) phê phán xã hội từ góc độ triển vọng phụ nữ.

Khi vai trò phụ nữ được khẳng định thì phụ nữ viết ít hơn về mặt phản đối mà nhiều hơn về mặt tự khẳng định. Susan Lee Sontag (1933 – 2004) viết luận văn triết học, tiểu thuyết, làm phim. Bà thăm Việt Nam và lên án chiến tranh xâm lược của Mỹ. Mary Therese McCarthy (1912-1989) làm báo, viết tiểu thuyết, viết văn châm biếm trí thức Mỹ; bà cũng đã sang thăm Việt Nam và lên án chiến tranh Mỹ (Tường trình từ Việt Nam - Report from Vietnam, 1967).

Văn học của người da đen đã hình thành từ cuối thế kỷ XIX với Paul Laurence Dunbar (1872-1906) làm thơ trữ tình sử dụng văn hóa dân gian và thổ ngữ da đen. William Edward Burghardt Du Bois (1868-1963), cuối đời nhập quốc tịch Ghana, đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bình đẳng của người da đen; ông viết Tâm hồn người da đen (The Soul of Black Folk, 1903), Thế giới và châu Phi (The World and Africa, 1947) và khởi công cuốn Bách khoa từ điển cho châu Phi.

Những năm 20, 30 của thế kỷ XX, các nhà thơ Countee Cullen (1903-1946), Langston Hughes (1901-1967) chống phân biệt chủng tộc. Nhà viết tiểu thuyết Richard Wright (1908-1960) mới đầu cùng đi với các lực lượng tiến bộ, đặc biệt trong truyện ngắn Những đứa con của chú Tôm (Uncle Tom’s Children, 1938). Ralph Ellison (1913-1994) nổi tiếng về cuốn Người vô hình (Invisible Man, 1952) viết về người da đen bị tha hóa trong xã hội da trắng. James Baldwin (1924-1987) viết tiểu thuyết hiện sinh chủ nghĩa, nổi tiếng ngay do tác phẩm đầu tay Hãy đi lên núi mà kể (Go tell it on the Mountain, 1953) kể về số phận người da đen bị tước hết cá tính. Gwendolyn Brooks (1917-2000) làm thơ về cuộc sống ngột ngạt trong khu da đen ở Chicago.

Văn học của người da đen mang màu sắc chính trị hóa vào những năm 1960, khi cuộc đấu tranh cho bình đẳng biến thành trào lưu đòi “quyền lực cho người da đen”. Sự phẫn nộ thể hiện trong thơ và kịch của Amiri Baraka (1934-2014). Những nhà lãnh đạo chính trị da đen cũng viết sách: Tự truyện của Malcolm X (The Autobiography of Malcolm, 1965) với sự cộng tác của Alex Haley (1921-1992). Haley còn là tác giả một tác phẩm vĩ đại về nguồn gốc châu Phi của người da đen: Gốc rễ (Roots, 1976). Nhà văn nữ Toni Morrison (1931-2019) phân tích tâm lý phụ nữ da đen một cách sâu sắc; năm 1988 bà đoạt giải Pulitzer và năm 1993 bà đoạt Giải thưởng Nobel.

Những người Mỹ Do Thái bắt đầu sáng tác. Saul Bellow (1915-2005) đoạt Giải Nobel Văn học năm 1976; Bernard Malamud (1914-1986), Philip Roth (1933-2018) đề cập những nhân vật và vấn đề xã hội, đồng thời đưa vào tiểu thuyết một kiểu hài hước. Isaac Bashevis Singer (1902-1991) - người Do Thái gốc Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học 1978.

Những nhà thơ người Mỹ gốc Latinh thuộc văn hóa Tây Ban Nha cũng tham gia sinh hoạt văn chương như: Tino Villanueva (sinh 1941), Carlos Cortéz (1923-2005), Victor Hernandez Cruz (sinh 1949). Người Mỹ da đỏ Navarre Scott Momaday (sinh 1934) viết về tổ tiên trong cuốn Những tên tuổi (The Names, 1976). Người Mỹ gốc Hoa Maxime Hong Kingston (sinh 1940) cũng viết về tổ tiên trong Những người Trung Quốc (China Men).

Trong những năm 60 và 70 thế kỷ trước, khi những biến thiên xã hội gây đảo lộn trong văn hóa và văn học Mỹ, có những nhà văn vẫn gìn giữ những giá trị cơ bản, vẫn giữ cốt truyện cổ điển, văn phong trong sáng. John Updike (1932-2009) viết báo, làm thơ, viết truyện, thường tả con người trung lưu; văn phong trau chuốt, mang chất thơ. Cuốn tiểu thuyết biểu tượng của ông Con nhân mã (The Centaur, 1963) miêu tả cuộc sống vô vị của một giáo viên tỉnh lẻ. Evan Shelby Connell (1924-2013) vẽ một bức tranh gia đình trung lưu trong một cặp tiểu thuyết: Bà Bridge (Mrs. Bridge, 1959) và Ông Bridge (Mr. Bridge, 1969). William Kennedy (sinh năm 1928) viết một bộ ba tiểu thuyết về thành phố Albany vào những năm 20 và 30 với cái nhìn vừa trìu mến, sắc nét. John Irving (sinh 1942) và Paul Theroux (sinh 1941) họa chân dung những gia đình Mỹ kỳ quái với những cảnh buồn cười và siêu thực. Anne Tyler (sinh 1941) miêu tả với một ngọn bút hóm hỉnh những người lạc lõng ở rìa tầng lớp trung lưu. Bobbie Ann Mason (sinh 1940) miêu tả đời sống ở bang nông thôn miền Nam Kentucky.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dao-choi-vuon-van-my-ky-3-267504.html