Danh xưng 'Hoa hậu' không còn giá trị như xưa

Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, bây giờ cứ đi ra ngõ là gặp quá trời hoa hậu, người đẹp. Những cuộc thi sắc đẹp nhiều đến nỗi danh xưng hoa hậu đã không còn giá trị như ngày xưa.

Kể từ sau khi đăng quang Miss World Vietnam 2023, Hoa hậu Ý Nhi trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận vì những phát ngôn về bạn trai, bạn bè đồng trang lứa… Mới đây, cư dân mạng không khỏi xôn xao khi "đào lại" phát ngôn "xóa nạn đói, nạn dốt" của Ý Nhi khi xuất hiện tại một triển lãm. Mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm anti-fan Hoa hậu Ý Nhi với hàng chục nghìn thành viên. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng nên tước vương miện của Ý Nhi.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã chỉ ra những thiếu sót của nàng hậu và đưa ra những suy nghĩ xung quanh danh xưng Hoa hậu.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

PV: Những ngày gần đây, Hoa hậu Ý Nhi hứng chịu nhiều gạch đá do một loạt phát ngôn “vạ miệng”. Theo ông, nguyên nhân của những lùm xùm này xuất phát từ đâu?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Có 2 vấn đề mà chúng ta cần phải đề cập tới. Thứ nhất là do bản thân Ý Nhi. Cô ấy chưa có nhiều kinh nghiệm trong showbiz. Những phát ngôn “vạ miệng” của Ý Nhi xuất phát từ sự non nớt. Và chúng ta chỉ dựa vào một vài câu nói, clip lan truyền trên mạng để đánh giá Ý Nhi thì không khách quan.

Thứ 2, tôi nghĩ vấn đề nằm ở ê kíp của Ý Nhi khi để cô ấy mắc quá nhiều lỗi trong một khoảng thời gian ngắn, dẫn đến việc bị kêu gọi tẩy chay, tước vương miện… Ê kíp phản ứng chậm chạp, thiếu sự nhạy cảm và bản lĩnh truyền thông, khiến cho hình ảnh Hoa hậu không còn đẹp trong mắt công chúng.

PV: Khi những tranh cãi bùng nổ trên mạng xã hội, Hoa hậu Ý Nhi cùng ê kíp có màn livestream để xin lỗi, nhưng đây được coi là hành động “thêm dầu vào lửa” và làn sóng anti ngày càng mạnh hơn. Theo ông vì sao vậy?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Tôi cho rằng việc các bạn rủ nhau lên livestream và xin lỗi như vậy là hành động thiếu khôn ngoan. Khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, bản thân tôi nếu là người đi xử lý, việc đầu tiên và mất thời gian nhất chính là thuyết phục người trong cuộc nhìn ra lỗi sai của mình. Chỉ khi họ hiểu mình sai ở đâu, chấp nhận cái sai đấy một cách chủ động chứ không phải bị cưỡng ép, thì lời xin lỗi đưa ra mới thuyết phục.

Còn ở đây, theo như tôi thấy, việc Hoa hậu Ý Nhi và ê kíp livestream xin lỗi giống như kiểu, mọi người đang rất bức xúc với tôi, tôi phải xin lỗi. Nhưng có lẽ bản thân Ý Nhi chưa ý thức rõ ràng về lỗi của mình, chưa biết mình sai ở đâu, mình nên sửa sai như thế nào thì việc xin lỗi lại phản tác dụng. Chúng ta chỉ được sử dụng lời xin lỗi khi mà chúng ta thực sự nhận thức được về lỗi lầm của mình, tức là chúng ta không được quyền để cái lỗi ấy lặp lại, nhất là trong thời gian ngắn.

Nhưng ngay sau livestream xin lỗi của Ý Nhi và ê kíp, lại có thêm nhiều lùm xùm xảy ra thì chúng ta có thể kết luận được rằng họ chưa thực sự nhận thức đúng được cái sai của mình.

Ý Nhi và ê kíp livestream xin lỗi.

PV: Thực ra trước Ý Nhi, cũng có nhiều Hoa hậu có phát ngôn “vạ miệng”, vậy nhưng đến bây giờ, làn sóng anti lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chỉ vài ngày sau khi đăng quang, những hội nhóm anti Ý Nhi lên tới hàng trăm nghìn thành viên. Ông lý giải như thế nào về điều này?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn quay lại thời điểm Ý Nhi ngay sau khi đăng quang đã công khai người yêu. Bản thân tôi rất ủng hộ chuyện công khai người yêu của Ý Nhi. Tôi cho rằng đó là hành động rất dũng cảm của một tân Hoa hậu, khiến cho tôi có hy vọng rằng chuyện này sẽ xóa bỏ được định kiến trước giờ là Hoa hậu là phải cặp đại gia. Nhưng chính điều này cũng đã gây tranh cãi. Khi bạn làm điều gì đi ngược với số đông thì có 2 trường hợp xảy ra. Một là bạn thay đổi được cục diện, hai là bạn sẽ phải hứng chịu búa rìu dư luận.

Tôi lấy ví dụ từ câu chuyện của ca sĩ Mỹ Linh. Thời điểm Mỹ Linh đi hát, người ta chưa quen với việc phụ nữ cắt tóc ngắn. Khi đó, Mỹ Linh ra bài hát “Tóc ngắn” khác nào kích thích dư luận. Nhưng Mỹ Linh đủ tài năng và bản lĩnh để thành công.

Đã có một giai đoạn tóc Mỹ Linh trở thành một thương hiệu, rồi Mỹ Linh cũng là cái tên được đặt rất nhiều. Không ít người tên Mỹ Linh khi được hỏi về nguồn gốc cái tên trả lời là do bố mẹ lấy cảm hứng từ ca sĩ Mỹ Linh. Khi làm được điều gì đó thay đổi nhận thức chung của số đông thì người ta sẽ thành công, thậm chí thành công vang dội.

Nhưng Ý Nhi là trường hợp ngược lại. Thiết nghĩ, nếu Ý Nhi không công khai bạn trai ngay sau khi đăng quang thì chưa chắc cô ấy đã trở thành tâm điểm như thế này. Mọi người có nhiều ý kiến trái chiều về việc đó, thậm chí khó chịu, cảm thất bất ngờ và không quen. Bắt đầu từ thời điểm đó, người ta sẽ để ý và soi xét nhiều hơn.

Mỗi hành động, phát ngôn của Ý Nhi đều được chú ý nhiều hơn người bình thường. Ý Nhi bị ném đá vì non nớt, trẻ con có một chút hiếu thắng, tự tin thái quá. Cùng với đó là ê kíp truyền thông thiếu kinh nghiệm. Cuối cùng là Ý Nhi đang sinh sống và đăng quang ở thời điểm mạng xã hội bùng nổ, việc lập các hội nhóm group anti đã rất phổ biến. Vì thế cho nên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ hơn nhiều so với những thời Hoa hậu trước là điều dễ hiểu.

PV: Dạo gần đây giới trẻ nổi lên trào lưu “flex” xuất phát từ nhu cầu của mỗi cá nhân khi làm được điều gì đó đặc biệt hay đạt thành tựu, muốn khoe ra cho mọi người thấy. Ý Nhi cũng là một đại diện của thế hệ Gen Z, liệu có phải vì thế mà việc giành được vương miện Hoa hậu khiến cho cô gái trẻ này nghĩ mình vượt lên nhiều người khác?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Không riêng gì Gen Z mà đây là thời buổi mà nhà nhà “flex”, người người “flex”. "Flexing" là cơ hội để người trẻ có thể lan tỏa những điểm sáng của cá nhân, từ đó tạo nên bức tranh đa dạng màu sắc với những thành tựu đáng được ghi nhận. Những người trẻ được trao cơ hội nêu quan điểm và nói lên tiếng nói của mình.

Việc Ý Nhi giành vương miện Hoa hậu cũng khiến cô ấy tự hào chứ. Tuy nhiên, tôi nghĩ là vương miện sẽ làm cho cô ấy khác biệt ở thời điểm 10 hoặc là 20 năm trước. Còn bây giờ cứ đi ra ngõ là gặp quá trời hoa hậu, người đẹp. Những cuộc thi sắc đẹp nhiều đến nỗi danh xưng hoa hậu đã không còn giá trị như ngày xưa nữa rồi.

PV: Vậy ở thời điểm này, Ý Nhi cũng như ê kíp của cô ấy cần làm gì để lấy lại được thiện cảm của công chúng?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Tôi nghĩ ê kíp đóng vai trò quan trọng nhất lúc này. Chúng ta đã nhìn ra sự non nớt của Ý Nhi, nhưng chúng ta cũng hiểu một điều là sự non nớt đấy không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai được. Cho nên phụ thuộc rất nhiều vào ê kíp.

Ngay sau khi đăng quang, Ý Nhi đã ghi điểm bởi thành tích học giỏi, dám công khai người yêu, vẽ nên một chân dung Hoa hậu đại diện của thế hệ Gen Z bản lĩnh, có cái tôi. Nhưng vương miện có sức nặng của nó và tiêu chuẩn cho một Hoa hậu đã được nâng lên. Thành tích học, cá tính, bản lĩnh được đặt sang một bên. Công chúng đòi hỏi cao hơn và cô ấy chưa thể đáp ứng được yêu cầu đó. Vì thế phải trông chờ vào sự chuyên nghiệp của ê kíp truyền thông, phải làm sao để người ta hiểu được rằng Ý Nhi là một cô gái trẻ, vẫn chưa có nhiều bản lĩnh đâu. Bản thân Ý Nhi sẽ còn sai sót rất nhiều. Thay vì lên xin lỗi một cách hời hợt, hứa hẹn mang đến một Ý Nhi hoàn thiện hơn sẽ càng khiến mọi người đánh giá cô ấy ở thang điểm cao hơn nữa thì việc cần làm là nên thẳng thắn.

Ê kíp cần khéo léo để mọi người cảm thông cho những điểm yếu của cô ấy, để mọi người thấy rằng, Hoa hậu không phải là người cái gì cũng giỏi, từ kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, môi trường… Đó là điều hết sức bình thường.

Và cuối cùng, tôi cho rằng Ý Nhi cần tập trung vào những điểm mạnh của mình thay vì cứ đi phát ngôn hay trả lời phỏng vấn. Cô ấy cần được đào tạo kiến thức về hoạt động xã hội. Đó là những việc nên làm để lấy lại hình ảnh đẹp của một Hoa hậu. Khi đó, mọi người có thể dễ dàng chấp nhận những cái sai của cô ấy hơn và khi mọi người dễ dàng chấp nhận cái sai đấy thì cô ấy có thời gian để sửa đổi và hoàn thiện mình.

PV: Để giành vương miện Hoa hậu thì các cô gái cũng đã phải trải qua một quá trình luyện tập khắt khe rồi. Cô gái tốt nhất đã được lựa chọn vậy mà khi đăng quang vẫn còn cần công chúng cho mình thời gian để hoàn thiện bản thân thì cũng hơi thiếu thuyết phục. Ông có muốn đưa ra lời khuyên gì cho các cô gái có ý định đi thi Hoa hậu?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Thực ra tôi không nói là phải yêu cầu dư luận cho cô ấy thời gian, mà ý tôi là khi mà bạn ứng xử khéo léo làm cho mọi người hiểu rất rõ về điểm mạnh, điểm yếu của mình, thì tự người ta sẽ chấp nhận cái đấy. Và đó chính là mầm mống để bạn có thời gian, chứ còn đương nhiên là dư luận đâu cho bạn thời gian. Còn cái chuyện là tại sao người ta không cho mình thời gian để thay đổi, đó là do mình đã rất là không khéo ở cái chỗ là mình cứ đem đúng cái điểm yếu của mình mình phơi bày ra, còn bây giờ mình giấu nó đi, mình chỉ phơi bày cái điểm mạnh ra thôi thì người ta đâu biết.

Vì truyền thông thì đúng là rất quan tâm đến bạn, nhưng bạn có một ekip để kiểm soát hình ảnh, lời nói của bạn để trong cái thời gian đấy bạn hoàn thiện bản thân mình, điều đó là rất là bình thường. Với nhiều ý kiến cho rằng Hoa hậu phải hoàn thiện bản thân mình ở tất cả mọi cái khía cạnh, tôi nghĩ điều đấy khó lắm, nhưng các bạn có thể hoàn thiện những cái quan trọng nhất. Đó chính là kỹ năng giao tiếp, ứng xử với truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội.

Bởi vì một khi đã đội vương miện lên đầu thì cuộc sống sẽ thay đổi 180 độ. Bạn trở thành tâm điểm của dư luận. Bạn hưởng cái lợi từ hào quang của dư luận thì bạn phải làm đẹp lòng dư luận. Và việc bạn giỏi trong giao tiếp với truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội thì có lợi cho các bạn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Phương - Ngân Giang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/danh-xung-hoa-hau-khong-con-gia-tri-nhu-xua-post1038836.vov