Đánh giá, xếp loại thực chất tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị

Để việc đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, Bộ Chính trị đã có Quy định 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: P.HẰNG

Qua 5 năm thực hiện Quy định 132, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá và xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hàng năm được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo và cơ bản thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, toàn diện, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, đối với công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm, trước khi tổ chức kiểm điểm, cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo quản lý xây dựng trước dự thảo báo cáo rồi gửi cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất 3 ngày để nghiên cứu góp ý, phân tích… Đồng thời, cấp ủy cấp trên thực hiện việc gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý ở những nơi còn có những hạn chế, khuyết điểm; phân công ủy viên thường vụ và lãnh đạo các ban Đảng dự, chỉ đạo những nơi được gợi ý kiểm điểm.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay các văn bản về công tác đánh giá, xếp loại, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ, một số bộ ngành trung ương chưa bám sát quy định của Bộ Chính trị và chưa có sự thống nhất, đồng bộ với hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương gặp khó khăn, lúng túng.

Từ năm 2018-2022, có 483 tập thể và 689 đảng viên được cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm về vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nghị quyết của Đảng ủy; quy trình công tác cán bộ; quy chế làm việc; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; vai trò đoàn kết nội bộ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19... Kết quả kiểm điểm của tập thể được lấy làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân và kết quả kiểm điểm của cá nhân được lấy làm cơ sở để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể.

Từ năm 2018-2021, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã phát hiện 843 trường hợp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Từng bước khắc phục bệnh thành tích

Đối với công tác đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban TVTU đã ban hành các quy định cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng phù hợp theo từng loại hình tổ chức, cá nhân và theo hướng tăng định lượng, giảm định tính, lấy sản phẩm cụ thể làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân, từng bước khắc phục bệnh thành tích, ngày càng đi vào thực chất. Khi đánh giá, có so sánh giữa các vị trí tương đương; gắn đánh giá xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ.

Kết quả xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân đã phản ánh đúng chất lượng của tổ chức Đảng, đảng viên. Từ năm 2018 đến nay, chưa có tổ chức Đảng, đảng viên nào khiếu nại về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng sau khi cấp có thẩm quyền quyết định xếp loại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có nơi kiểm điểm chung chung, thiếu nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý...

Phó vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên - Ban Tổ chức Trung ương Trần Viết Cường cho biết, những hạn chế trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị không chỉ diễn ra ở một số nơi mà không ít nơi còn nặng về thành tích, thích khen thưởng, chưa bám sát các tiêu chí, thông qua sản phẩm cụ thể để đánh giá. Cá biệt, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, vận động “xin phiếu”, “xin khen thưởng” với động cơ không trong sáng, dẫn đến một số cán bộ, đảng viên có kết quả xếp loại chất lượng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó lại phát hiện có vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Để công tác đánh giá, xếp loại ngày càng thực chất hơn và khắc phục được những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định 132, góp phần tạo đột phá trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề như: nguyên tắc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại; các căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại; đối tượng kiểm điểm; nội dung kiểm điểm; trách nhiệm, thẩm quyền; đối tượng đánh giá, xếp loại; tiêu chí đánh giá, xếp loại... Qua việc sửa đổi các nhóm vấn đề này góp phần làm cho công tác đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân phải đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể và có tiêu chí đánh giá rõ ràng để dễ áp dụng, dễ định lượng, giảm định tính...

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/danh-gia-xep-loai-thuc-chat-tap-the-ca-nhan-trong-he-thong-chinh-tri-3168204/