Đánh biệt kích ở chiến trường Trường Sơn

Tỉnh Quảng Bình có chiều ngang hẹp nhất đất nước, có hai trục đường vận tải chiến lược là Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và rất nhiều tuyến đường ngang kết nối, tạo ra mạng lưới đường chằng chịt. Trong thời kỳ chiến tranh, Mỹ - ngụy đã tung những toán biệt kích nhảy dù xuống vùng rừng núi huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hoạt động chống phá.

Đại tá Nguyễn Tấn Hữu chia sẻ với phóng viên về chuyện đánh biệt kích ở Trường Sơn. Ảnh: Lệ Giang

Giăng bẫy chờ sẵn

Điện mật của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang gửi cho Quảng Bình thông báo, có một toán biệt kích vừa mới nhảy dù xuống phía Tây Nam tỉnh Quảng Bình. Chưa rõ thời gian và địa điểm cụ thể nào, nhưng Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình đã lập ngay kế hoạch tấn công biệt kích ở giữa đại ngàn Trường Sơn. Một mũi truy lùng gồm đại đội cơ động có chó chiến đấu của Công an nhân dân vũ trang tỉnh, lực lượng tại chỗ của Đồn Công an nhân dân vũ trang 119, kết hợp với dân quân xã Hàm Nghi và Đình Phùng (huyện Lệ Thủy), do Đại úy Hồ Quang Vinh, Tham mưu phó trực tiếp chỉ huy. Mũi truy lùng đi dọc khe Giữa và các hàng đá tìm dấu vết toán biệt kích ẩn nấp.

Một mũi sử dụng những trinh sát giỏi nghiệp vụ về “cắm chốt” ở các bản đồng bào dân tộc, với bỏ bọc đi làm rừng, làm rẫy, câu cá ở dưới suối... để lần tìm dấu vết của bọn biệt kích.

Để tiện cho công tác chỉ huy đánh địch, Tỉnh ủy Quảng Bình thành lập ngay Sở chỉ huy tiền phương đóng tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Các mũi chiến đấu đã vạch rừng truy tìm gần 20 ngày, vẫn chưa phát hiện gì về nơi ẩn nấp của toán biệt kích.

Ngày 4/1/1966, lực lượng truy lùng phát hiện 3 lon bia nằm ở giữa rừng, chưa có dấu vết sử dụng. Qua nghiên cứu địa hình và chứng cứ thu được, Ban chuyên án kết luận, bia của bọn biệt kích khi vận chuyển bị rơi ra. Ngày 11/1/1966, Ban chuyên án nhận được tin từ 4 người dân tộc Vân Kiều, gồm Hồ Vọng, Hồ Tiêu, Hồ Cung, Hồ Roòng đang đi tìm trầm ở trong rừng bị 10 người lạ mặt chặn đường tra hỏi.

Đại tá Nguyễn Tấn Hữu, nguyên Phó ban Trinh sát, Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình kể lại: “Mấy tên biệt kích hỏi mấy người đó: Có Quân đội và Công an hoạt động ở vùng này không? Cả 4 người đều trả lời không có. Chúng hỏi tiếp và đưa ra những lời đe dọa: Từ đây về bản có xa không? Bọn mày không được nói với ai biết, nếu bị lộ, bọn tao sẽ cắt cổ hết mấy thằng mày”.

Theo thông tin của 4 người dân cung cấp, toán biệt kích đưa tiền cho đồng bào nhờ mua gạo, gà đưa vào vực sâu giữa khe núi đúng trưa ngày 13/1/1966. "Tương kế, tựu kế", Ban chuyên án chỉ đạo tổ trinh sát huấn luyện cấp tốc nghiệp vụ cho mấy người dân để xâm nhập vào “hang ổ" toán biệt kích. “Một mặt, ta phải chuẩn bị đủ số hàng hóa như bọn chúng yêu cầu. Mặt khác, điều động một đại đội cơ động đến mai phục quanh điểm chúng hẹn. Lệnh của đồng chí Trần Kim Giá (Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình) không được nổ súng, phải bằng mọi biện pháp bắt sống được bọn chúng để phục vụ công tác điều tra và hốt luôn cả ổ” - Đại tá Hữu nói.

Đúng ngày giờ đã hẹn, 2 ông Hồ Vọng và Hồ Tiêu mang 15kg gạo và 2 con gà đến địa điểm nói trên, có 5 tên biệt kích xuất hiện. Ông Hồ Vọng lên tiếng trước: “Tui đã mua đủ gạo, gà đang bỏ bên suối”. Nghe nói có gạo, gà, bọn chúng mừng rỡ. Một tên biệt kích nghi hoặc hỏi ông Hồ Vọng:

- Khu vực suối này, có chỗ nào nước cạn hơn không?

- Chỉ có chỗ ni nước cạn lội ngang ngực, dân tui lội quen đi trước, mang súng, mang gạo giúp cho mấy ông để không bị ướt.

Cả nhóm biệt kích tin tưởng giao vũ khí cho mấy người đồng bào dân tộc mang đi trước. Nhóm của ông Vọng vừa mới lội qua suối, đưa bàn tay lên báo hiệu cho tổ mật phục biết chỉ có 5 tên biệt kích. Cả 5 tên cởi quần áo ung dung lội qua suối, bất ngờ tổ phục kích nhảy ra chĩa súng bao vây và bắt sống cả 5 tên.

Đánh thẳng vào hang ổ

Tổ trinh sát khai thác nhanh 5 tên biệt kích vừa bị bắt, trong đó có 1 tên toán trưởng. Còn 5 tên khác vẫn đang ở trong hang đá. Tổ trinh sát mang áo quần của những tên biệt kích vừa mới bắt được, yêu cầu tên toàn trưởng dẫn đường đến sào huyệt của chúng. Tên toán trưởng đứng ngoài nói vào: “Chúng mình bị lừa đánh ra miền Bắc phá hoại các công trình, bây giờ phải đầu hàng để được khoan hồng”. Nói lần thứ nhất, tên toán phó và mấy tên còn lại ở trong hang không có phản ứng gì. Nói lần thứ hai thì bên trong nổ súng bắn ra.

“Ý định tổ trinh sát vào hang bắt sống số biệt kích còn lại, nhưng bị lộ. Vì trước đó, tôi đã ra lệnh cho mũi của đồng chí Hường, chỉ bố trí quân bao vây ở vòng ngoài, không được phép tiến vào bên trong. Nhưng mũi vòng ngoài hăng hái quá chạy xọc đánh vào trong hang, bị bọn chúng đánh bật trở ra. Tổ trinh sát đến gần cửa hang thì bị lộ tẩy, buộc phải đồng loạt nổ súng tấn công bọn chúng, mấy tên còn lại cũng nhanh chóng ra đầu hàng” - Đại tá Trần Kim Giá, Trưởng ban chuyên án kể chi tiết.

Trận đánh thành công ngoài mong đợi, ta bắt gọn toàn bộ toán biệt kích 10 tên. Những tên này mang theo quần áo, phù hiệu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và quân giải phóng để đóng giả. Đại tá Nguyễn Tấn Hữu cho biết thêm: “Nhiệm vụ của toán biệt kích này là “chỉ điểm” các kho tàng, doanh trại quân đội, đơn vị hành quân, xe vận tải.... di chuyển trên đường Trường Sơn. Vì thế, chúng mang theo hình ảnh các loại xe tăng, xe vận tải... của ta. Mỗi phương tiện được bọn chúng đánh một mã số, khi phát hiện phương tiện nào đi qua thì đối chiếu với mã số đã quy định để gọi về trung tâm chỉ huy điều máy bay đến ném bom...”.

Lệ Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-biet-kich-o-chien-truong-truong-son-post470342.html