Dâng hương ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành

Ngày 29/7, tại đình Tú Thị, nhân dân phường Hàng Gai đã tổ chức dâng hương Kỷ niệm 362 năm ngày hóa của ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành. Đình có tên nôm là 'Đình Chợ Thêu', tên chữ là'Tú Đình Thị' nghĩa là 'Chợ đình Thợ Thêu'. Trước đây, ngôi đình từng là nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu.

Ông Lê Công Hành sinh năm 1606, lúc trẻ tên là Trần Quốc Khải, là người làng Quất Động, huyện Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637), được triều đình phong đến chức Thượng thư Bộ Công. Năm 1646, Trần Quốc Khải được cử đi sứ Trung Hoa. Là người thông minh và nhanh nhạy, ông đã học được kỹ thuật tinh xảo của nghề thêu và nghề làm lọng, đưa các nghề này về truyền dạy cho người dân. Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang Bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó, ông có tên Lê Công Hành.

Lễ dâng hương.

Đình Tú Thị ở số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, xưa kia là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức).

Đình thờ.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng các đại biểu dâng hương tại đình Tú Thị.

Trong đình còn bảo lưu tấm bia đá có tiêu đề "Bản thị tiên công liệt vị" nghĩa là: "Kể tên các vị công đức của bản thị" được dựng vào ngày 11/10 năm Hoàng triều Thành Thái thứ 3 (1891).

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi giới thiệu sản phẩm như áo Thái tử triều Nguyễn, áo Công chúa triều Nguyễn, Long bào mô phỏng... với từng đường kim, mũi chỉ được phục dựng thủ công.

Nghề thêu phục chế trang phục cung đình là nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Từ khi được xây dựng, đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, kiến trúc của đình đã không còn giữ được nét cổ kính.

Đình Tú Thị vinh dự đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 24/10/2012.

Linh San

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/dang-huong-ong-to-nghe-theu-le-cong-hanh-20230729101449383.htm