Đảm bảo an toàn khi thanh thải chướng ngại vật trên sông Lô

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số hộ dân khu Vân Tập, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng bày tỏ lo lắng về việc doanh nghiệp thanh thải chướng ngại vật trên sông Lô, đoạn qua xã Hợp Nhất có thể gây nứt, rịa nhà của các hộ dân ở đây, phóng viên Báo Phú Thọ đã có mặt tại địa phương để tìm hiểu rõ hơn về sự việc.

Tiếp chúng tôi tại nhà, chị Nguyễn Thị Hiền – khu Vân Tập cho biết: Toàn bộ các hộ dân ở khu Vân Tập đều xây nhà bên ngoài đê, bên dưới là đất cát, trên là đất phù sa nên nền đất yếu, sau khi xây nhà thường xuyên có hiện tượng nứt, lở tường. Khoảng năm 2012, được Nhà nước đổ đá, xây dựng 400m kè bao phía bên ngoài khu Vân Tập thì tình trạng sạt lở, nứt nhà có giảm. Tuy nhiên, qua thời gian, do nước sông chảy siết, toàn bộ mặt và chân kè nay đã bị xói lở gần hết, nước sông đã vào sát nhà nên tình trạng sạt lở, nứt nhà lại bắt đầu tái diễn. Đặc biệt, hiện nay trên sông Lô đoạn qua khu Vân Tập đang diễn ra việc thanh thải lòng sông, nổ mìn phá đá khiến các gia đình lo rằng có thể ảnh hưởng đến kết cấu nhà như rịa hoặc nứt tường...

Vết nứt cũ của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền – khu Vân Tập trước khi đơn vị thi công tổ chức thanh thải lòng sông Lô.

Ông Phan Hùng Tuân – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu Vân Tập cho biết: Khu Vân Tập có 54 hộ trong đó có 11 hộ đang ở gần khu vực thực hiện dự án thanh thải đá ngầm, nạo vét, khơi thông luồng tuyến trên sông Lô. Đây là khu vực có nhiều chướng ngại vật, bãi đá, gây tắc và khó khăn cho các tàu thuyền khi di chuyển. Ngoài ra, các bãi đá ngầm dưới lòng sông cũng có thể là nguyên nhân chính khiến cho nước sông chảy siết gây sạt lở. Bà con trong khu chủ yếu làm nghề sông nước như: Chài lưới, chạy tàu, nuôi cá lồng... nên đa phần đều mong muốn dự án sớm hoàn thành, giúp khơi thông luồng lạch để thuận tiện cho việc đi lại cũng như phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một số hộ gần khu vực đang thi công, trước đây đã có hiện tượng nứt nhà do nền đất yếu nên giờ đang lo lắng việc thi công sẽ làm tình trạng ngôi nhà trở nên nguy hiểm hơn.

Theo chị Hiền, khu vực kè sông Lô trước cách cây sung của gia đình khoảng 5 - 7m nhưng nay đã bị sạt lở vào sát nhà.

Làm việc với ông Cao Việt Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn – Xây dựng Hoàng Hùng, đại diện Liên danh nhà thầu Thái Sơn – Hoàng Hùng, đơn vị đang trực tiếp thi công dự án, chúng tôi được biết: Với mục tiêu thanh thải chướng ngại vật, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, thuận lợi cho người dân và các phương tiện thủy hoạt động trên sông, giảm thiểu ùn tắc, mất an toàn giao thông tại các vị trí bãi đá qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng, từ tháng 9/2023, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định số 911/QĐ-CĐTNĐ phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán công trình: Thanh thải vật chướng ngại trên sông Lô, đoạn qua địa bàn huyện Đoan Hùng.

Khu vực được thanh thải chướng ngại vật trên sông Lô.

Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lập danh mục khu vực nạo vét, chỉ đạo thực hiện thanh thải đá ngầm và nạo vét, khơi thông luồng tuyến đường thủy nội địa trên các tuyến sông Hồng, sông Lô, sông Đà qua địa phận tỉnh Phú Thọ để đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa theo quy định; căn cứ rà soát, thống kê hiện trạng các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Cục Đường thủy nội địa nhận thấy trên các đoạn tuyến sông Hồng, sông Lô, sông Đà qua địa phận tỉnh Phú Thọ có 32 vị trí (khan cạn 17 vị trí, vật chướng ngại 15 vị trí) không đảm bảo chuẩn, tắc luồng. Trong đó, sông Hồng 15 vị trí, sông Lô 15 vị trí và sông Đà 2 vị trí.

Đơn vị thi công tiến hành thanh thải chướng ngại vật trên sông Lô.

Km65+000 – km66+000 sông Lô (đoạn qua khu Vân Tập, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng) là luồng thủy nội địa cấp III, có bãi đá gây tắc luồng tàu, khối lượng cần thanh thải là 7.437,5m3. Biện pháp thi công chủ đạo là phá đá dưới nước bằng khoan nổ mìn, bốc xúc thanh thải bằng máy đào gầu dây lên xà lan, vận chuyển bằng tàu kéo lên vị trí tập kết, sau đó bốc xúc chất thanh thải vào vị trí bãi chứa theo quy định. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công bố trí hai trạm điều tiết ngày đêm, thực hiện hướng dẫn đảm bảo giao thông tại thượng hạ lưu khu vực thi công...

Đơn vị thi công theo dõi chặt chẽ, có biên bản chi tiết kèm hình ảnh các công trình xây dựng trong khu vực làm căn cứ để đánh giá đền bù thiệt hại nếu có.

Ông Cao Việt Hùng cho biết thêm: Liên quan đến sử dụng vật liệu nổ nên trước, trong quá trình thi công công trình, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành rà, phá bom mìn, sử dụng vật liệu nổ đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ, có biên bản chi tiết kèm hình ảnh các công trình đê điều, kè, các nhà dân và công trình xây dựng khác trong khu vực, có giải pháp kịp thời để xử lý, khắc phục và làm căn cứ để đánh giá đền bù thiệt hại nếu có. Theo quy định của giấy phép sử dụng vật liệu nổ, đơn vị thi công được phép sử dụng khối lượng thuốc nổ lớn nhất một đợt nổ là 76kg cho 20 lỗ khoan, tuy nhiên, hiện nay Công ty chỉ sử dụng khoảng 6kg thuốc nổ cho một lần nổ, dành cho 3 lỗ khoan. Công ty chấp nhận giảm tiến độ thi công, làm tăng chi phí quản lý, thi công để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của việc thanh thải lòng sông đến an toàn của các hộ dân.

Thực tế, theo báo cáo đánh giá kết quả đo trực tiếp sóng chấn động và sóng không khí tại công trình thanh thải chướng ngại km65+000 – km66+000 sông Lô do Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Bộ Quốc phòng thuộc Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng đo đạc từ khi nổ mìn và có báo cáo số 01/BC-VLN-GSAHNM ngày 3/1/2024 nhận định: Việc thi công không có đá văng, sóng chấn động từ vụ nổ và áp suất sóng xung kích trong không khí, sóng quá áp đều dưới ngưỡng cho phép; vụ nổ mìn không có khả năng gây hư hại về công trình cần được bảo vệ.

Đồng chí Đỗ Quốc Hưng – Bí thư Đảng ủy xã Hợp Nhất khẳng định: Với mong muốn có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng ủy, chính quyền xã Hợp Nhất luôn mong muốn đón nhận các công trình, dự án được đầu tư, thực hiện trên địa bàn. Trong đó, dự án thanh thải, nạo vét lòng sông không chỉ giúp giao thông đường thủy thuận lợi, giảm sức chảy của dòng nước, tránh làm sạt lở kè, bảo vệ công trình, tài sản của nhân dân mà còn là điều kiện góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Để công trình đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, Đảng ủy, chính quyền địa phương yêu cầu đơn vị thi công chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và những quy định trong giấy phép được phê duyệt đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong khu vực yên tâm sinh sống, tạo điều kiện cho đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục theo quy định.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/dam-bao-an-toan-khi-thanh-thai-chuong-ngai-vat-tren-song-lo/205041.htm