Đại úy Lê Đình Hoan với sáng kiến 'Chế tạo cần cẩu lắp trên xe Zil 131'

Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, xây dựng công trình, thu gom hủy nổ bom mìn.

Nhu cầu vận chuyển trang thiết bị, vật tư, nhiên liệu để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ là khá lớn; trong khi đó đơn vị đang khai thác, sử dụng nhiều loại xe vận tải để vận chuyển như xe Zil 131, Kamaz… việc nâng hạ lên, xuống xe chủ yếu dùng sức người. Từ thực tế đó, Đại úy Lê Đình Hoan, Trạm trưởng Trạm bảo dưỡng sửa chữa tổng hợp, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn đã nghiên cứu ra sáng kiến “Chế tạo cần cẩu lắp trên xe Zil 131”.

Đại úy Lê Đình Hoan cho biết, dựa trên các thiết bị nâng đang có trên thị trường như: Cẩu xoay 3600, cẩu hộp số, cẩu sắt thép trong các nhà xưởng… nhóm sáng kiến đã thiết kế cần cẩu với kích thước tương đương các thiết bị trên. Cấu tạo gồm 3 phần chính: Chân cần được làm từ thép ống đúc, đường kính 114cm, dày 8mm; phía dưới chân cần có hàn đế thép đường kính 300m, dày 8mm để khoan lỗ bắt bu lông cố định cần cẩu với sàn thùng xe; phần trên cùng của chân cần được tiện móc lỗ để đóng 2 ổ bi đũa.

Việc nâng, hạ bom ở Lữ đoàn Công binh 25 thuận lợi hơn khi sử dụng sáng kiến "Chế tạo cần cẩu lắp trên xe Zil 131".

Bộ phận mâm xoay được tận dụng từ một đầu của dí máy ép hơi zip 55, trục lắp 2 ổ bi côn; phần áo bên ngoài của mâm xoay quanh được 3600 quanh trục; trên mâm xoay có hàn tay công lớn để quay cần, khi quay đến vị trí nào cần cố định mâm xoay thì vặn tay công nhỏ để cố định mâm xoay.

Bộ phận tay cần gồm: Hộp ngoài và hộp trong dài 1,2m, được chấn ghép từ tấm thép C45 thành chữ U, có thể xoay với các góc nâng từ 900, 1050, 1200; trên hộp ngoài của tay cần có hàn tấm sắt 120 x 210mm, dày 6mm để lắp tời điện… “Để lắp đặt cần cẩu lên xe Zil 131, chúng tôi phải gia cố mặt sàn thùng xe, tăng cường thanh chịu lực dưới sàn thùng xe để đỡ. Cần cẩu được liên kết với thùng xe bằng 6 bu lông xuyên qua. Người dùng sẽ sử dụng tời điện từ nguồn điện bình ắc quy có sẵn trên xe Zil 131 (12V-150A) để điều khiển tùy theo kích thước và tải trọng. Tải trọng nâng tối đa của cần cẩu là 840kg, chiều dài của tay cần 1,5m, góc nâng cần 1200. Chi phí cho sáng kiến này hơn 6 triệu đồng, thời gian hoàn thành gần 2 tháng”, Đại úy Lê Đình Hoan chia sẻ.

Theo Trung tá Nguyễn Trung Úy, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Công binh 25, trước đây việc nâng hạ vật tư, đặc biệt là bom thường dùng cây tầm vông, dây thừng và khoảng 4 người (tùy theo trọng lượng bom), tốn nhiều công sức lao động, lại dễ mất an toàn. Với sáng kiến “Chế tạo cần cẩu lắp trên xe Zil 131”, bộ đội chỉ cần đặt bom vào vị trí cố định, sau đó sử dụng cần cẩu để đưa bom lên vị trí trên xe theo ý định. Việc sử dụng sáng kiến này, còn giúp cho đơn vị tiết kiệm được kinh phí để mua sắm các trang thiết bị hỗ trợ khác. Sản phẩm này khá gọn nhẹ, tiện sử dụng, dễ cơ động, vận chuyển, phù hợp với mọi điều kiện địa hình.

Sử dụng sáng kiến "Chế tạo cần cẩu lắp trên xe Zil 131" để vận chuyển vật tư cho đơn vị.

Sáng kiến rất tiện sử dụng, dễ cơ động, vận chuyển.

Được biết, ngoài sáng kiến trên, thời gian qua, Đại úy Lê Đình Hoan còn thể hiện niềm đa mê sáng tạo của mình bằng nhiều sản phẩm mang lại hiệu quả như: Sáng kiến “Giá bảo quản xe máy, khí tài và nâng (hạ) bình điện lên (xuống) ca nô BMK-T” (đạt giải Ba Giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” lần thứ 20); “Thu nhỏ gàu xúc của máy xúc lật KOMATSU 04”, “Bình cứu hỏa huấn luyện”; “Thiết bị xả gió phanh (ly hợp) dẫn động bằng dầu trên xe ô tô quân sự”...

Thượng tá Đỗ Văn Trường, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 25 khẳng định: “Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, nhưng với tinh thần trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mỗi năm đơn vị đều có hàng chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí, bảo đảm an toàn trong các hoạt động. Với những thành tích đó, Đại úy Lê Đình Hoan đã được cấp trên ghi nhận 4 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm 2019 đến năm 2022). Đặc biệt, sáng kiến “Chế tạo cần cẩu lắp trên xe Zil 131” đã đoạt giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 21, đây là động lực để cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tích cực nghiên cứu khoa học, thi đua sáng tạo, vươn lên đạt được nhiều thành tích mới”.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dai-uy-le-dinh-hoan-voi-sang-kien-che-tao-can-cau-lap-tren-xe-zil-131-735681