Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết trong ký ức người thân và đồng đội

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã từ trần hồi 11 giờ 40 phút ngày 20-7-2023, tại Hà Nội.

Ông sinh ngày 1-5-1929, tại thôn Tự Nhiên, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Khi còn trẻ, Nguyễn Trần Thiết từng là chiến sĩ rồi Chính trị viên đại đội thuộc Đại đoàn chủ lực 312 có mặt ở nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1953, ông làm phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết đã về với cát bụi nhưng hình ảnh về người phóng viên chiến trường đam mê và tâm huyết với công việc, dành cả cuộc đời cho nghiệp viết luôn khắc sâu trong tâm trí thế hệ những người làm Báo Quân đội nhân dân cả hôm nay và mai sau.

Với 94 năm tuổi đời và 75 năm tuổi Đảng, Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết là tác giả của gần 100 cuốn sách và rất nhiều bài báo. Trong đó nhiều tác phẩm nổi tiếng đã để lại dấu ấn sân đậm trong tâm trí độc giả như: "Vòng trầm luân oan nghiệt", "Ông tướng tình báo và hai bà vợ", "Viên chuẩn tướng"… Riêng tiểu thuyết "Ông tướng tình báo và hai bà vợ" được đạo diễn, NSƯT Bùi Cường dựng thành bộ phim truyền hình dài tập cùng tên, đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc…

Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì Đại tá, nhà báo Nguyễn Trần Thiết là "một người viết không biết mệt mỏi".

“Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là người tôi nghĩ chỉ có 2 hành động chính trong suốt cuộc đời mình là “Ngước mắt lên để nhìn cuộc sống” và “cúi xuống để viết”. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết không chỉ là một nhà văn mà ông còn là một người chép sử. Trong văn của ông chứa đựng nhiều sự kiện quan trọng của đất nước mà ông tham dự và nhiều nhân vật đặc biệt của lịch sử mà ông tiếp xúc. Ông đã ra đi, tựa như một người tạm ngừng viết, khép cửa và đi thăm bạn bè”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết (trái) và khoảnh khắc gặp Đại tá, nhà báo Trần Hồng.

Trong ký ức của Đại tá, nhà báo Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân thì Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết là một nhà báo lão thành yêu nghề và sẵn sàng xông pha nơi trận mạc để có những bài viết mang đậm hơi thở của thời đại.

“Khi về công tác ở Báo Quân đội nhân dân, dường như đi đến đâu, tôi cũng đều thấy dấu ấn của Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết. Có thể nói, ông thuộc “thế hệ vàng” của những người làm Báo Quân đội nhân dân. Ông đã được trưởng thành từ thực tiễn chiến đấu ở chiến trường. Vì thế, ông viết khỏe, luôn đau đáu với nhiều tác phẩm thuộc nhiều đề tài, đó là phẩm chất cao đẹp của những người làm Báo Quân đội nhân dân”, Đại tá, nhà báo Trần Hồng nhấn mạnh.

“Những năm qua, tôi và một số nhà báo đã đến thăm Đại tá Nguyễn Trần Thiết. Qua đó, tôi giới thiệu với một số nhà báo trẻ về những tác phẩm cũng như phẩm chất của người làm báo năm xưa để thế hệ ngày nay hiểu rõ hơn về một nhà báo lão thành cách mạng”, Đại tá, nhà báo Trần Hồng bộc bạch.

Với nhà báo, Đại tá Vũ Đạt, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân thì khoảnh khắc khi được gặp nhà báo Nguyễn Trần Thiết tại Dinh Độc Lập vào thời điểm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975) có vài hôm là những ký ức không thể nào quên. Giữa thời khắc lịch sử, tại nơi mang dấu ấn lịch sử, hai nhà báo, chiến sĩ của Báo Quân đội nhân dân đã tay bắt mặt mừng, hòa niềm vui của mình vào niềm vui toàn thắng của dân tộc.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết và các cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Khi đọc lại những tài liệu của Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết, ấn tượng của chị Nguyễn Kim Thanh-giáo viên dạy văn, con gái Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết là những trang sách đẹp về con người trong chiến tranh và cả thế hệ sau này. Ông đã viết về đất nước, Tổ quốc và lịch sử dân tộc rất trung thực.

Cuộc đời của Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết trải qua nhiều thăng trầm nhưng ông luôn giữ được niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất, đó là điều giúp ông vượt qua và trở thành một nhà báo, nhà văn có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn cho độc giả.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/dai-ta-nha-bao-nha-van-nguyen-tran-thiet-trong-ky-uc-nguoi-than-va-dong-doi-735483