Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dự Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại TP Phú Quốc

Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, không gian đặt tượng đài là đảo Phú Quốc, nên mẫu trang phục tượng được chọn là kiểu áo khoác không cài khuy với tà áo bay nhẹ theo gió.

Sáng 19-5, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ. Đến dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

 Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Tượng đài Bác Hồ ở TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: HOÀNG HỮU

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Tượng đài Bác Hồ ở TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: HOÀNG HỮU

Tượng đài Bác Hồ với chủ đề “Miền Nam trong trái tim tôi” được động thổ xây dựng hồi tháng 4-2022. Tượng đài Bác Hồ có chiều cao 20,7m, tổng trọng lượng hơn 93 tấn; trong đó, thân tượng cao 18m, được đúc bằng chất liệu hợp kim đồng; đế tượng cao 0,3m, bệ tượng cao 2,4m. Tượng được đúc tại làng nghề đúc đồng của huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định).

Phía sau tượng Bác là bức phù điêu được ghép từ 484 khối đá trắng, với tổng chiều dài 63m. Hai mặt đá được chạm nổi, trong đó, mặt trước là hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Mặt sau là hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang và các địa danh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh) đến quần đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).

Để tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa của công trình, tỉnh Kiên Giang quy hoạch đầu tư xây dựng Quảng trường nơi đặt Tượng đài Bác Hồ với quy mô 7,45 ha tại khu vực trung tâm đô thị, thương mại - dịch vụ, Cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của TP Phú Quốc.

Đồng thời, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cạnh đó, công trình còn góp phần trong việc tăng cường quảng bá về những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử và tiềm năng phát triển, sản phẩm du lịch TP Phú Quốc nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

 Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ ở TP Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG HỮU

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu tại Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ ở TP Phú Quốc. Ảnh: HOÀNG HỮU

Theo ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, công trình Tượng đài Bác Hồ có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử sâu sắc. Đặc biệt, đây là nơi tôn vinh công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã được UNESCO vinh danh “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”.

“Không gian đặt tượng đài là đảo Phú Quốc, nên mẫu trang phục tượng được chọn là kiểu áo khoác không cài khuy với tà áo bay nhẹ theo gió. Vừa tạo cảm giác khoáng đạt của thiên nhiên biển đảo, vừa cho thấy sự giản dị, gần gũi của Bác với đồng bào.

Toàn bộ bức tượng toát lên thần thái của một vị lãnh tụ có tài thao lược, trí tuệ uyên thâm và đầy sức sống. Chiều cao tổng thể của tượng hài hòa với không gian xung quanh và biển trời Phú Quốc xinh đẹp’ - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang thông tin thêm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực.

 Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ tin tưởng và mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc sẽ luôn tự hào, trân quý, quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của công trình thật tốt. Ảnh: HOÀNG HỮU

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ tin tưởng và mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc sẽ luôn tự hào, trân quý, quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của công trình thật tốt. Ảnh: HOÀNG HỮU

Bác đã để lại cho Đảng, dân tộc và nhân dân ta và các thế hệ hôm nay, mai sau một di sản vô cùng cao quý, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Đạo đức và phong cách Người đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đồ án quy hoạch chung TP Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 là mục tiêu phát triển Phú Quốc trở thành đô thị biển đảo theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, phát triển nơi đây thành trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, trung tâm thương mại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chính trị, văn hóa không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo.

CHÂU ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-nguyen-trong-nghia-du-le-khanh-thanh-tuong-dai-bac-ho-tai-tp-phu-quoc-post791346.html