Đã qua thời 'vương quốc xe đạp', Trung Quốc giờ là một 'xã hội xe hơi'

Năm 2022, người Trung Quốc mua hơn 26 triệu ôtô hạng nhẹ, gần gấp đôi con số của Mỹ. Các tổ chức liên kết với ngành đã tuyên bố về sự xuất hiện của một 'xã hội xe hơi'.

Sở hữu ôtô là hiện tượng xã hội mới nổi ở Trung Quốc. Thị trường ôtô tư nhân mới xuất hiện ở đất nước tỷ dân vào giữa thập niên 1990. Nhưng đến năm 2010, nước này là quốc gia sản xuất và bán ôtô hạng nhẹ (loại có dung tích động cơ dưới 1,5 lít) lớn nhất thế giới.

Các tổ chức liên kết với ngành đã hân hoan tuyên bố về sự xuất hiện của một "xã hội xe hơi".

Năm 2022, người Trung Quốc mua hơn 26 triệu ôtô hạng nhẹ, gần gấp đôi con số của Mỹ. Quốc gia này thậm chí vượt Nhật Bản, trở thành nước xuất khẩu xe hơi nhiều nhất thế giới nhờ vào lĩnh vực xe sử dụng năng lượng mới hàng đầu.

Theo Zhang, Tiến sĩ Triết học và là tác giả cuốn Hướng tới sự hiện đại: Ôtô và cuộc sống của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đương đại, những người thuộc tầng lớp trung lưu nước này đã coi việc sở hữu ôtô là yếu tố quan trọng để định hướng cuộc sống gia đình lẫn đời sống xã hội.

Sixth Tone đã phỏng vấn Zhang về vai trò của ôtô cá nhân ở Trung Quốc và cách chúng tái hiện bản sắc văn hóa cũng như các mối quan hệ xã hội.

 Người đạp xe qua một bảng quảng cáo của Volkswagen Thượng Hải tại Thành Đô, Tứ Xuyên vào tháng 9/1986. Trong những năm thập niên 1979, 1980, xe đạp là phương tiện di chuyển chính của người dân Trung Quốc. Ảnh: Jean-Marc Charles/Gamma-Rapho/VCG.

Người đạp xe qua một bảng quảng cáo của Volkswagen Thượng Hải tại Thành Đô, Tứ Xuyên vào tháng 9/1986. Trong những năm thập niên 1979, 1980, xe đạp là phương tiện di chuyển chính của người dân Trung Quốc. Ảnh: Jean-Marc Charles/Gamma-Rapho/VCG.

Thời kỳ xe tư nhân bùng nổ

Xe sedan tư nhân du nhập vào Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ 20, việc sử dụng chúng vào thời điểm đó hầu như chỉ giới hạn ở các thành phố như Thượng Hải và Quảng Châu.

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng nhà máy First Automobile Works (ở thành phố Cát Lâm phía đông bắc), cũng như các nhà sản xuất ôtô khác.

Điều đó cho thấy sức mạnh công nghiệp của quốc gia, nhưng số lượng mua ôtô tư nhân giảm dần, cuối cùng đi đến bế tắc.

 Một chiếc sedan được trưng bày tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào năm 1994. Ảnh: Zhang Jusheng/VCG.

Một chiếc sedan được trưng bày tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào năm 1994. Ảnh: Zhang Jusheng/VCG.

Trong những năm sau đó, tất cả xe sedan về cơ bản đều là xe công ty. Ngành công nghiệp ôtô tập trung vào các phương tiện đóng vai trò quan trọng trong sản xuất như xe tải và xe buýt.

Quyền sở hữu ôtô cá nhân vẫn là một chủ đề gây tranh cãi vào đầu thời kỳ "cải cách mở cửa" (cuối những năm 1970), khi doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ và các hãng sản xuất ôtô nước ngoài như Volkswagen, Peugeot, Jeep vào thị trường Trung Quốc.

Các nhà kinh tế nước này nhận ra rằng ôtô có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế đối với việc nhập khẩu và quyền sở hữu ôtô tư nhân. Đây là một trong những mặt hàng cuối cùng được dỡ bỏ hạn chế.

Phải đến năm 2000, chính sách "giúp các hộ gia đình mua ô tô" mới được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Trung Quốc. Chính phủ cuối cùng quyết định mở cửa thị trường ôtô trong nước, qua đó loại bỏ trở ngại chính cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Từ đó, doanh số bán ôtô trong nước tăng vọt.

Dưới hệ thống kinh tế cũ của Trung Quốc - đặc biệt là ở các thành phố công nghiệp lớn - nhiều người dân thành thị làm việc tại các đơn vị sản xuất thuộc sở hữu nhà nước, được cung cấp nhà ở liền kề.

Nhiều bậc cha mẹ thậm chí lên kế hoạch cho con cái vào cơ quan của mình sau khi tốt nghiệp. Kết quả, không gian đời sống của họ khá hẹp: đồng nghiệp hay bạn bè cũng ở gần nhau, dễ dàng thăm nom bằng xe đạp.

Nhưng lối sống này đã thay đổi vào năm 1990. Nhà nước không còn cung cấp nhà ở, mà thay bằng sở hữu nhà riêng, mọi người chuyển đi sống ở những nơi khác nhau. Nền kinh tế đô thị cũng mở rộng rất nhiều. Ôtô trở thành phương tiện thuận lợi nhất để mọi người có thể tham gia các hoạt động giải trí, kết nối.

Nhưng khó mà bỏ qua "tác dụng phụ" của sự bùng nổ văn hóa xe hơi. Ùn tắc giao thông trở thành chuyện "cơm bữa" ở các đô thị lớn. Năm 2021, hơn 70% thành phố được khảo sát ở Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng số lượng cư dân phải mất hơn một giờ để đi làm.

 Giao thông buổi sáng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ngày 21/12/2023. Ảnh: VCG.

Giao thông buổi sáng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ngày 21/12/2023. Ảnh: VCG.

Ôtô và văn hóa đại chúng

Văn hóa xe hơi của Trung Quốc và Mỹ phát triển trong những hoàn cảnh rất khác nhau.

Văn hóa chính trị Mỹ nhấn mạnh vào khái niệm "tự do". Ngành công nghiệp ôtô, quảng cáo lẫn văn hóa đại chúng đã tạo nên một mối liên hệ chặt chẽ giữa "lái xe" với "tự do".

Trong khi đó, trong cuộc thảo luận của Zhang với các chủ sở hữu ôtô Trung Quốc, cụm từ họ nhắc đến thường xuyên nhất là "tiện lợi" - sự tiện lợi khi có thể đưa con đến trường và đi mua sắm mà không cần sử dụng phương tiện công cộng.

 Một bãi đậu xe Volkswagen ở Thượng Hải năm 1996. Ảnh: John van Hasselt.

Một bãi đậu xe Volkswagen ở Thượng Hải năm 1996. Ảnh: John van Hasselt.

"Điều tôi thấy thú vị là đôi khi mọi người có thể đánh giá cao cùng một thứ nhưng ngôn ngữ họ sử dụng để mô tả nó lại khác", Zhang nói.

Ví dụ, ở Mỹ, các hoạt động như đưa con đến trường bằng ôtô và lái xe đến trung tâm mua sắm được coi là những biểu hiện của tự do. Chủ xe ôtô ở Trung Quốc cũng đánh giá cao chuyện đó, nhưng họ vẫn chú trọng vào niềm vui theo cách thực tế hơn.

Độ tuổi mua xe lần đầu cũng có tác động đến trải nghiệm cá nhân. Ở Mỹ, việc lấy bằng lái ở tuổi 18 là một "nghi thức" đánh dấu sự trưởng thành.

Nhưng vào những năm 1990 và 2000, phần lớn người Trung Quốc được cầm lái lần đầu khi đã lập gia đình và có sự nghiệp ổn định. Một cách tự nhiên, họ nghĩ rằng sở hữu ôtô đồng nghĩa với cải thiện cuộc sống gia đình.

Giống như mọi sản phẩm khác, các hãng ôtô cũng có tính biểu tượng, khuôn mẫu khác nhau. Nhận thức của mọi người về một số hãng xe và mẫu xe nhất định đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa nơi họ sống.

BMW bị kỳ thị ở Trung Quốc, dù đây là hãng xe sang bán chạy, do từng có nhiều vụ người lái xe này gây tai nạn kinh hoàng hoặc có phát ngôn lệch lạc trên mạng.

Còn Audi lại được tiếng thơm, định hình tích cực trong tâm trí người dân vì nó được nhiều cơ quan, tổ chức lựa chọn.

Tương tự, tại các sự kiện quy mô lớn như lễ khai mạc Thế vận hội, công chúng Trung Quốc được chứng kiến các cuộc diễu hành, bao gồm cả diễu hành ôtô.

Theo thời gian, sự "hoành tráng" và đồng đều của các đoàn xe diễu hành đã ngấm ngầm in sâu trong tâm trí người dân. Có thể nhận thấy điều đó thông qua việc người Trung Quốc dùng đoàn xe hơi để rước dâu, coi đó là biểu tượng của nghiêm chỉnh và giàu có.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/da-qua-thoi-vuong-quoc-xe-dap-trung-quoc-gio-la-mot-xa-hoi-xe-hoi-post1453967.html