Đà Nẵng: Ủng hộ du lịch sinh thái nhưng phải thực hiện đúng quy định

Mô hình du lịch sinh thái tại Tp.Đà Nẵng đang phát triển. Chính quyền địa phương ủng hộ, nhưng cơ quan chức năng sẵn sàng xử lý mạnh tay những chủ đầu tư làm sai.

Xử lý nghiêm nếu làm sai

Thời gian qua, trên địa bàn Tp.Đà Nẵng, mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản khá phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định.

Mới đây, PV Người Đưa Tin thông tin về việc Khu Du lịch Dreamer in the forest, đường Suối Lương, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu tự phát, không được chính quyền cho phép.

Chủ đầu tư tự ý thu 100 nghìn đồng mỗi người vào cổng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra và đình chỉ hoạt động kinh doanh tại cơ sở này.

Cũng tại khu vực suối Lương, chủ các khu du lịch tự ý đổ bê tông chặn dòng để phục vụ du khách đến tắm.

Suối Lương bị chặn dòng nên xuất hiện tình trạng ô nhiễm, đồng thời phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, từ đó dễ dẫn đến tình trạng khi trời mưa lũ, nước đổi dòng gây sạt lở.

Tình trạng chặn dòng tại Suối Lương.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 14/4, ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, Tp.Đà Nẵng thừa nhận: "Do công tác quản lý thiếu sâu sát nên dẫn đến tình trạng người dân lấn dòng, chặn dòng suối Lương làm du lịch sinh thái tự phát. Hiện, lực lượng chức năng quận đã tháo dỡ nhiều công trình vi phạm. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tháo dỡ các công trình còn lại, trả lại hiện trạng ban đầu cho suối Lương".

Trong khi đó, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, thời gian qua có nhận được một số phản ánh liên quan đến việc quản lý xây dựng dọc các sông suối trên địa bàn.

Cơ quan chức năng cưỡng chế, tháo dỡ ở suối Lương.

Qua kiểm tra, đơn vị phát hiện Khu du lịch Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, do Công ty cổ phần DHC Suối Đôi (Công ty DHC) làm chủ đầu tư. Mặc dù, đã được phê duyệt làm khu du lịch, tuy nhiên trong quá trình xây dựng chủ đầu tư này đã xây kè thêm 7m chặn dòng suối khi chưa được phép.

"Căn cứ điểm c, khoản 9, điều 16 Nghị định 16/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, UBND huyện Hòa Vang đã ra quyết định xử phạt 170 triệu đồng đối với DHC.

UBND huyện Hòa Vang cũng yêu cầu Công ty DHC trong 60 ngày phải trả lại hiện trạng ban đầu của dòng suối. Hiện, DHC đã nộp phạt và đang khắc phục sai phạm”, ông Dũng cho nói.

“Thời gian qua, UBND Tp.Đà Nẵng phải bỏ ra khá nhiều kinh phí để làm bờ kè bảo vệ bờ sông suối. Các doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra thực hiện làm bờ kè là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các đơn vị làm phải xin phép.

Trong quá trình thực hiện làm bờ kè không được lấn dòng, chặn dòng, làm đổi dòng chảy. Đồng thời, chủ đầu tư phải làm đúng quy định, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Dũng nhận định.

Rất mong các mô hình du lịch sinh thái thành công để nhân rộng

Trong khi đó, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, mới đây, địa phương cũng kiểm tra Khu du lịch Lái Thiêu, do Công ty TNHH MTV Bảo Ân làm chủ đầu tư.

Theo kết luận kiểm tra, khu du lịch này đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt quy hoạch; cấp phép xây dựng và đăng ký hoạt động kinh doanh ổn định tại thôn Phú Túc từ năm 2014 đến nay.

Khu Róc Rách Glamping đang được khắc phục sau yêu cầu của UBND huyện Hòa Vang.

Đường bê tông và cầu sắt băng ngang qua sông do người dân tự xây dựng trước khi Công ty TNHH MTV Bảo Ân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và người dân sử dụng tuyến đường này để đi qua sông phục vụ trồng rừng và vận chuyển sản phẩm thu hoạch; đồng thời, tuyến đường này phù hợp với vị trí quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) được UBND Tp.Đà Nẵng phê duyệt.

Đối với kè kiên cố dọc 2 bờ suối tại khu Róc Rách Glamping thuộc KDL Lái Thiêu, chủ đầu tư xây dựng theo hình thức xếp đá tự nhiên, ở giữa chèn mạch vữa xi-măng (không đổ bê tông), nhằm khắc phục bờ kè bị sạt lở do xảy ra lũ lịch sử vào tháng 10/2022, không phải xây dựng mới.

"Tuy nhiên, việc khắc phục bờ kè bị sạt lở nói trên chưa được cơ quan chức năng cho phép nên UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp UBND xã Hòa Phú tiến hành xử lý theo quy định", ông Tôn thông tin.

Mặc khác, những đường tràn này có lắp đặt một số bi cống phía dưới để lưu thông dòng chảy, nên dòng chảy của sông Luông Đông qua khu du lịch này không bị cản trở.

Cơ quan chức năng ủng hộ việc phát triển du lịch sinh thái nhưng các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định.

Cũng theo ông Tôn, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 7 mô hình thí điểm làm du lịch trên đất nông nghiệp được phê duyệt. Trong đó, có 4 mô hình đang được triển khai đầu tư.

Sau Nghị quyết 82/2021 của HĐND Tp.Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang đã ra hướng dẫn chi tiết. Có khoảng 70 hồ sơ xin thí điểm được nộp về huyện nhưng hầu hết không đủ điều kiện nên không được phê duyệt.

“UBND huyện rất mong các mô hình như thế này kinh doanh thành công để nhân rộng hơn nữa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định pháp luật”, ông Tôn chia sẻ.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/da-nang-ung-ho-du-lich-sinh-thai-nhung-phai-thuc-hien-dung-quy-dinh-a603087.html