Đà Nẵng bứt phá từ những dự án giao thông động lực trọng điểm

Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bắt đầu từ năm 1997 Đà Nẵng đồng loạt xây dựng được nhiều tuyến vành đai, đường giao thông kết nối đông- tây và đường ven biển.

Song song với đó là hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hàn. Gần đây, khi phương tiện giao thông và dân số tăng nhanh, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, góp phần giải tỏa ùn tắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội địa phương. Có thể nói sau 47 năm giải phóng, Đà Nẵng đã tạo được bộ mặt giao thông tương đối hoàn thiện. Nhiệm kỳ này, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư nhiều dự án giao thông động lực trọng điểm làm cơ sở để thành phố bứt phá đi lên.

Ngày 28/3/2022, nhân dịp kỷ niệm 47 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, kinh phí đầu tư gần 800 tỷ đồng được khánh thành đưa vào hoạt động. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp đặc biệt nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực cụm nút, giảm tải các tuyến đường chính qua khu vực bờ Tây sông Hàn, tạo nên trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và khu vực phía Đông. Dự án này đầu tư xây dựng 3 nút giao thông khác mức liên hoàn. Trong đó, nút giao thông đường Duy Tân- 2/9 lên cầu Trần Thị Lý được thiết kế 3 tầng, nút giao Ngã tư Duy Tân- Núi Thành được thiết kế hầm chui và tầng mặt đất; Nút giao giữa đường Bạch Đằng nối dài với đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý được thiết kế hầm chui rất ấn tượng.

Đà Nẵng có hạ tầng giao thông hiện đại

Ông Lê Thành, một người dân sống ở gần nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý cho biết công trình này sẽ giúp giao thông thuận tiện và an toàn hơn: “Người dân Đà Nẵng rất phấn khởi khi có hầm chui và cầu vượt đường 2/9 này. Công trình này rất đẹp và góp phần giảm ách tắc giao thông.”

Trước đó, tháng 10 năm ngoái, thành phố Đà Nẵng cũng khánh thành đưa vào sử dụng cầu qua sông Cổ Cò với mức đầu tư 172 tỷ đồng. Công trình này sẽ giúp kết nối lưu thông giữa các khu vực phía nam, đồng thời góp phần đổi mới đô thị, giảm mật độ dân cư sống trong khu trung tâm. Hiện, Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Đó là Dự án nâng cấp cải tạo đường ĐT601 có tổng chiều dài tuyến 35,5km, mức đầu tư 643 tỷ đồng; Dự án tuyến đường Trục I Tây Bắc, hơn 700 tỷ đồng; Dự án đường Vành Đai phía Tây đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư gần 1.200 tỉ đồng; Dự án đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan có chiều dài hơn 7 km, tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Riêng dự án đường Vành đai phía Tây 2 sẽ hoàn thành vào 30/6 tới.

Dự án nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý gồm 3 tầng khác mức liên hoàn

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án cho biết: “Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên cam kết sẽ chỉ đạo liên doanh nhà thầu tập trung máy móc thiết bị để đẩy nhanh thi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng vế sinh môi trường đường số 8, Khu Công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao cuối tuyến với đường Hải Vân - Túy Loan trước ngày 30/6/ 2022 trừ một số đoạn đường đất yếu chờ lún theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt.”

Theo ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng việc TP Đà Nẵng tập trung xây dựng các các công trình giao thông sẽ là động lực cho thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn: “Trong tương lai gần nữa, sau khi xong nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý thì người ta làm tiếp nút giao Cầu Rồng nữa. Như thế thì sẽ giải quyết rất tốt về giao thông. Và gần đây nhất trong quy hoạch Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn đến 2045, sẽ có thêm 1 cầu sông Hàn tại nút giao thông Đống Đa (chỗ mà hồi trước mình định làm hầm) thì càng thuận lợi hơn cho người dân quận Sơn Trà cũng như bên Hải Châu này. Với chương trình giao thông như vậy của Đà Nẵng sẽ là rất tốt”

Dự án đường Vành đai phía Tây 2 Đà Nẵng là dự án trọng điểm đang khẩn trương hoàn thành.

Cùng với khẩn trương hoàn thành các dự án giao thông mang tính động lực trọng điểm, thành phố Đà Nẵng cũng đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị 3 dự án giao thông trọng điểm để có thể khởi công vào tháng 9 tới. Đó là dự án cơ sở hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu, dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu 1.203 tỉ đồng và dự án cầu Quảng Đà nối giữa huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu dài khoảng 2,95 km, mặt cắt ngang 30 m, quy mô 6 làn xe; xây dựng hai nút giao khác mức bằng cầu vượt gồm: một nút giao đầu tuyến với quốc lộ 1A cũ và đường sắt Bắc Nam hiện hữu; một nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu. Dự án vừa được HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng.

Ông Bùi Ngọc Hưng, Trưởng phòng Điều hành Dự án 2, Ban Quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, đơn vị được giao làm chủ đầu tư kiêm quản lý Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu cho biết, đơn vị đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ chuẩn bị dự án để có thể khởi công vào tháng 9/2022.

Phác thảo cầu Quảng Đà- 280 tỷ đồng vừa được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; Đồng thời sớm hoàn thành thủ tục khởi công các dự án mang tính động lực trọng điểm đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Trong đó, có nhiều dự án giao thông.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: "Tiếp tục xác định các công trình dự án mang tính động lực, trọng điểm quy mô lớn để tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đẩy nhanh các trình tự thủ tục xác định rõ các lộ trình thực hiện. Trong đó, cần sớm đưa vào sử dụng một số công trình dự án trọng điểm và một số tuyến đường như đường ĐH2 và phải quyết tâm trong năm 2022 phải đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai phía Tây. Phấn đấu khởi công một số công trình dự án trọng điểm đã được Ban Thường vụ Thành ủy xác định như dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu..."

Đà Nẵng khánh thành dự án nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý dịp kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng.

Còn nhớ ngày mới giải phóng, cả thành phố Đà Nẵng chỉ vài cây cầu cũ kỹ và một số đường phố nhỏ hẹp. Ngày đó, chuyện đi từ Nam Ô hay Sơn Trà vào trung tâm thành phố cực kỳ khó khăn. Người dân Nam Ô hay Sơn Trà vào trung tâm thành phố đều gọi là đi Đà Nẵng. Bây giờ, với hàng loạt dự án cầu đường rộng thoáng đã tạo cho Đà Nẵng một hạ tầng giao thông hiện đại, tiện lợi./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/da-nang-but-pha-tu-nhung-du-an-giao-thong-dong-luc-trong-diem-post933568.vov