Đa dạng các mô hình giúp nông dân làm giàu

Từ năm 1994 đến nay, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương, Khuyến nông Sơn La đã triển khai thực hiện thành công 108 loại mô hình khuyến nông đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và khuyến công, thu hút hơn 80.400 hộ nông dân tham gia.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn ghép cải tạo giống nhãn ánh vàng.

Trong quá trình triển khai, trung tâm chú trọng phát huy tối đa lợi thế từng vùng, từng vụ; cử cán bộ đi cơ sở để khảo sát điều kiện thực tế, lựa chọn các hộ tham gia, lựa chọn phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Quan tâm chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và tạo điều kiện cho các hộ khác đến tham quan, học tập...

Nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn, việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại Sơn La đã được nâng cao rõ rệt; nhất là, nhận thức, tư duy và tập quán canh tác của nông dân có sự chuyển biến tích cực. Các mô hình được nhân rộng, phát triển thành các khu chuyên canh sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho bà con.

Tiêu biểu có các mô hình: Thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn, rau trái vụ; ghép cải tạo vườn cây ăn quả, trồng thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn (giống nhãn chín sớm) để rải vụ thu hoạch; trồng thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ nuôi cá lồng bè, nuôi gà thịt an toàn sinh học bằng đệm lót lên men, nuôi lợn sinh sản hướng nạc, nuôi ong mật, chăn nuôi bò sinh sản; máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng (ngô, lúa, mía), mô hình tưới ẩm cho mía, máy sấy nông sản, nhà sấy năng lượng mặt trời...

Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình nhà sấy năng lượng mặt trời tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.

Tại huyện Sông Mã và Mai Sơn, thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai mô hình “Xây dựng và phát triển mô hình nhãn ánh vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” giai đoạn 2023-2025, hỗ trợ người nông dân trồng mới 35 ha, ghép cải tạo 15 ha giống nhãn địa phương, thay thế bằng nhãn ánh vàng 205.

Ông Hà Văn Trung, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, chia sẻ: Cách đây 5 năm, giống nhãn ánh vàng được trồng thử nghiệm tại Sông Mã. So với các giống nhãn khác, nhãn ánh vàng có ưu điểm cho năng suất cao hơn từ 20-25%, thời gian thu hoạch dài hơn, cùi nhãn khô nên thuận lợi trong việc vận chuyển đi xa, xuất khẩu. Năm 2024, gia đình đã đăng ký ghép cải tạo 3,5 ha, được dự án hỗ trợ mắt ghép, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc.

Tại bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, giúp các hộ nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn giống bò chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Nông dân bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai được hỗ trợ mô hình bò sinh sản.

Anh Điêu Chính Mai, bản Pa Bó, xã Chiềng Khay, chia sẻ: Năm 2022, 9 hộ dân trong bản được trung tâm khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn triển khai nuôi 17 con bò lai sinh sản zebu. Các hộ đã thực hiện chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, nuôi nhốt; tăng cường các nguồn thức ăn đa dạng bằng tinh bột, chất xơ, ủ chua thức ăn đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên hơn 40 con. Nhờ thể trạng vượt trội, bò lai cho năng suất thịt cao hơn và ít mắc bệnh hơn.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã trở thành người bạn đồng hành tin cậy của bà con nông dân; triển khai hàng trăm mô hình trình diễn và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/da-dang-cac-mo-hinh-giup-nong-dan-lam-giau-UI9xHALIR.html