Cuối tuần xuống phố ngóng cồng chiêng

Những sinh hoạt đời thường, những sản vật vùng cao, những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí... của đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn bó hẹp nơi núi rừng mà đã lan tỏa xuống phố, mang đến cái nhìn khác lạ và đầy cảm xúc trong lòng du khách và người dân.

Biểu diễn cồng chiêng tại thành phố Pleiku đã trở thành ngày hội mỗi cuối tuần. Ảnh: Tiêu Dao

Hấp dẫn cồng chiêng giữa phố

Đến hẹn lại lên, cứ vào tối thứ bảy hằng tuần, khi phố lên đèn, tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), “Đêm cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm" lại rộn rã ngân vang tiếng cồng, tiếng chiêng thu hút ngày càng đông người dân và du khách đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết trong đêm. Các nghệ nhân Gia Rai hay Ba Na trong trang phục truyền thống, trình diễn cồng chiêng đầy ngẫu hứng.

Những “điểm hẹn cồng chiêng” này đã trở thành một hoạt động văn hóa ý nghĩa giữa phố. Ở đó, người xem có thể bắt gặp nụ cười móm mém của cụ bà Gia Rai; cái nhìn tinh quái của cô bé Ba Na, hay chòm râu quắc thước của người đàn ông nhiều tuổi, hay vẻ mặt e ngại của người phụ nữ... Tất cả minh chứng sống động những giá trị đặc trưng nhất cho từng cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam. Vòng xoang ngày càng nối rộng bởi sự tham gia của du khách. Vòng ngoài, khán giả kết thành một biển người phấn khích theo dõi, quay phim, chụp ảnh.

Ở góc khác, dưới những bóng cây cao, từng nhóm gia đình, bạn bè ngồi dưới cỏ xanh thưởng thức ẩm thực, uống rượu cần, lắng nghe thanh âm cồng chiêng vọng lại. Không gian như trong một đêm hội làng, chỉ khác là diễn ra ngay giữa trái tim thành phố. Những người được trải nghiệm phong vị văn hóa qua sự hướng dẫn của những nghệ nhân đến từ buôn làng lại có cảm giác lạ lẫm, thích thú.

Nghệ nhân trẻ Siu Thưm, Đội trưởng Đội cồng chiêng Pleiku Roh kể, làng Pleiku Roh có 2 đội cồng chiêng. Trước đây, chỉ có một đội cồng chiêng người già. Đến năm 2008, Siu Thưm đã truyền ngọn lửa đam mê với nghệ thuật cồng chiêng đến những đứa trẻ tại làng. Theo đó, anh Siu Thưm đã mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho thanh niên và trẻ em vào mỗi buổi tối. Cũng từ đó, ở làng Pleiku Roh có thêm đội cồng chiêng nhí.

Đội cồng chiêng nhí có 17 thành viên, gồm các em từ 6 đến 16 tuổi thường xuyên đại diện thành phố Pleiku tham gia các lễ hội, cuộc thi, liên hoan lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2018, đội cồng chiêng này còn là đội chủ lực trong chương trình giao lưu, biểu diễn cồng chiêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết hàng tháng.

Trong đêm cồng chiêng trên phố cuối tuần, nghệ nhân người Gia Rai Rơ Chăm Hân đã không giấu được xúc động và niềm tự hào khi được trình diễn nhạc cụ dân tộc mình trước sự ngưỡng mộ của hàng trăm du khách nước ngoài: “Mình rất hồi hộp vì lần đầu tiên chơi cồng chiêng cùng mọi người cho người nước ngoài nghe, nhưng thấy họ chăm chú và thích thú lắm nên không xấu hổ nữa. Bây giờ thì vui rồi vì nhiều người nước ngoài đã biết đến cồng chiêng của đồng bào mình, biết đến văn hóa của đồng bào mình”.

Được biết, chương trình này được xã hội hóa 100%, trong đó, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tự nguyện tài trợ kinh phí cho mỗi kỳ trình diễn. Cộng thêm khoản bồi dưỡng của du khách và người dân (bình quân 4 - 5 triệu đồng/kỳ) cũng đủ trang trải cho nghệ nhân, diễn viên tham gia trình diễn.

Theo kế hoạch, mỗi thứ bảy có một đội cồng chiêng biểu diễn từ 19 đến 21 giờ. Số tiền chi trả cho khoảng 40 nghệ nhân là 10 triệu đồng (250 ngàn đồng/người). Những ngày cuối tuần như thế, cảnh du khách nước ngoài và người dân địa phương cùng hòa vào lễ hội, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng, tiếng hát cho thấy sự lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào nơi phố thị.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc đều đặn đưa cồng chiêng biểu diễn hằng đêm cuối tuần ở phố thị là một sự cố gắng không nhỏ của rất nhiều người. Số lượt khách du lịch cũng như người dân ở đây tham gia chương trình này chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới nhờ nội dung, hình thức luôn hướng tới hoàn thiện và đổi mới dựa trên nền tảng tương tác, trải nghiệm có chiều sâu và công phu hơn giữa chủ thể lẫn khách thể. Chương trình sẽ luôn thu hút số lượng người đến thưởng thức, trải nghiệm khá đông đảo và ổn định bởi yếu tố chân thực, mới lạ được chính chủ nhân vốn văn hóa các tộc người Gia Rai, Ba Na tạo nên trong không gian xanh và thân thiện tại Quảng trường Đại Đoàn Kết - phố núi Pleiku.

Biểu diễn cồng chiêng cuối tuần đang là sản phẩm văn hóa - du lịch thu hút du khách. Ảnh: Tiêu Dao

Quả thực, thành công của những đêm biểu diễn như thế mang lại không chỉ là giới thiệu, quảng bá du lịch hay bản sắc văn hóa của đồng bào đến với du khách và người dân, mà còn khơi gợi được lòng tự hào của đồng bào về những giá trị văn hóa riêng có của dân tộc mình. Từ đó, giúp những người dân Ba Na hay Gia Rai bảo tồn, phát huy tốt hơn những giá trị văn hóa đó.

Trong 17 năm qua, kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nghiêm túc các cam kết, từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng.

Tỉnh Gia Lai là địa phương đang lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo kết quả kiểm kê, Gia Lai còn lưu giữ hơn 5.600 bộ cồng chiêng, trong đó có hơn 930 bộ chiêng quý hiếm. Hàng năm, ngành văn hóa trong tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng, mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con dân tộc thiểu số.

Bùi Hữu Cường

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoi-tuan-xuong-pho-ngong-cong-chieng-post464765.html