Cuộc sống mới trên rẻo cao Co Mạ

Là xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện 43km, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế, xã hội chậm phát triển. Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Co Mạ đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, bộ mặt nông thôn của xã vùng cao đã dần đổi thay, đời sống văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao.

Bản Co Mạ ngày nay. Ảnh: Vì Hiện

Đầu những năm 90, nhắc đến Co Mạ, ai cũng nghĩ ngay đến vùng quê là thủ phủ của cây thuốc phiện, một số bộ phận người dân trong xã, người già, người trẻ đều nghiện thuốc phiện. Cùng với đó, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, cái đói, cái nghèo đeo bám cuộc sống các gia đình ở Co Mạ khiến người dân Co Mạ có cuộc sống khốn khó. Giờ đây, Co Mạ đã khác rồi, cây thuốc phiện bị triệt phá, việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các đề án phát triển kinh tế của Trung ương, của tỉnh, huyện đã giúp bà con nơi đây xây dựng cuộc sống mới, phát triển các mô hình kinh tế mới, đưa Co Mạ thoát nghèo và ngày càng khởi sắc.

Ông Vàng A Mai, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Co Mạ, xã Co Mạ cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của bà con Co Mạ được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt xã đã đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường trạm cho bản Co Mạ; đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ những chính sách cụ thể hóa, Co Mạ được đầu tư các công trình phục vụ sinh hoạt, đường giao thông giúp bà con đi lại giao thương hàng hóa dễ dàng hơn.

Trải qua một thời gian dài giúp bà con thay đổi tư duy phát triển kinh tế, Co Mạ hiện nay có trên 54ha diện tích trồng cây xoài, nhãn, tập trung ở các bản Nong Vai, Cát và bản Mỡ. Năm 2020, bản Pha Luông được chọn trồng thí điểm 6ha cây sa nhân trên diện tích đất nương. Cuối năm 2022 cây sa nhân cho thu hoạch quả, tuy sản lượng chưa cao, nhưng với giá bán 11.000 đến 12.000 đồng/kg, hy vọng vụ năm nay cây sa nhân sẽ bội thu. Cùng với cây sa nhân, bà con còn trồng thêm 16ha cây dong riềng, sản lượng đạt 160 tấn củ tươi/năm, giá bán 25.000 đồng/kg, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cây lúa nương và cây ngô.

Mô hình trồng dứa ở bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Vì Hiện

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao giai đoạn 2021-2025, năm 2022, xã Co Mạ đã ký hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao trồng 7ha cây dứa Queen tại bản Cát và bản Nong Vai. Anh Vì Văn So ở bản Cát, xã Co Mạ là một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi gần 1ha cây trồng từ ngô, sắn sang trồng dứa. Anh cho biết, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô và sắn, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, nên tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng dứa. Trong quá trình chuyển đổi sang trồng cây dứa, tôi cũng đã tham khảo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dứa ở các địa phương khác. Tôi cũng nhận thấy, cây dứa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, dễ chăm sóc, có giá trị kinh tế cao hơn những loại cây màu ngắn ngày khác. Vụ dứa vừa rồi gia đình tôi thu được 17 tấn quả, giá bán 4,8 nghìn đồng/kg, chưa trừ chi phí tôi thu về được 80 triệu đồng, thu nhập hơn hẳn trồng ngô và sắn.

Chị Bạc Thị Mến (bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) chia sẻ: Dứa của gia đình em trồng được quả to, đẹp. Sang năm, với giá dứa ổn định như thế này, em sẽ mở rộng thêm diện tích khoảng 1 đến 2ha nữa, mỗi ha sẽ cho thu hoạch khoảng 20 - 25 tấn quả.

Cây dứa phù hợp với khí hậu ở địa phương, mang lại lợi ích kép, vừa có lợi về kinh tế, góp phần thay đổi tư tưởng phát triển kinh tế nhỏ lẻ của bà con, đồng thời thúc đẩy hình thức sản xuất mang tính hợp tác liên kết bền vững. Việc trồng dứa còn giúp chống xói mòn đất dốc và có giá trị kinh tế cao hơn hẳn những cây trồng khác.

Co Mạ là bản nghèo, có 95% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, từng là một bản với nhiều không: không đường bê tông, không nước sạch, không điện lưới quốc gia... Đến nay, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Đường giao thông nông thôn liên thôn, xã, bản, đường nội bản đều được bê tông kiên cố, sạch sẽ. Hơn 95% hộ dân trong bản có nhà ở ổn định, khang trang, 98% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được tiếp cận nguồn thông tin từ hệ thống loa truyền thanh và được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ ở Co Mạ ngày càng phát triển, chỉ cần ra đến trung tâm xã, bà con có thể mua đủ thứ mặt hàng thiết yếu như máy móc nông nghiệp, thiết bị điện tử, đồ dùng hàng ngày mà không cần phải xuống phố huyện như trước đây. Cùng với đó, người dân cũng dần xóa bỏ tư duy cũ trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, các hủ tục được bài trừ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.

Người dân Co Mạ tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc. Ảnh: Vì Hiện

Ông Vì A Sềnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Co Mạ cho biết, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã Co Mạ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng. Đồng thời, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, đưa giống lúa mới có năng suất chất lượng cao vào gieo cấy, mở rộng diện tích trồng cây hoa màu… Thời gian tới, Co Mạ sẽ từng bước huy động các nhà đầu tư, vận động bà con thực hiện vùng chăn nuôi đại gia súc, phát triển quy mô sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, nghiệp; hỗ trợ các mô hình sản xuất, bao gồm các mô hình chăn nuôi, cây ăn quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Vùng đất gian khó năm xưa, nay đang từng bước hồi sinh, thay áo mới. Tin tưởng rằng cuộc sống mới, ấm no, đủ đầy sẽ ngày càng hiện hữu trên rẻo cao Co Mạ.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-moi-tren-reo-cao-co-ma-post469387.html