Cuộc nổi dậy mùa Xuân năm Canh Ngọ - 1930 qua lời kể của 2 người con Thiếu tướng Trần Tử Bình

Tại vùng đất Phú Riềng Đỏ cách đây 90 năm, vào ngày 3-2-1930 (tức mồng 5 tết Canh Ngọ), hơn 5.000 phu cao su dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đã nổi dậy làm chủ Đồn điền cao su Phú Riềng trong hơn 1 tuần lễ (từ ngày 30-1 đến 6-2-1930). Sự kiện này không chỉ gây rúng động Nam kỳ, vang tới tận Paris (Pháp) mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với đội ngũ công nhân, trong đó có công nhân cao su Phú Riềng trong những năm 30 của thế kỷ trước.

Là hai trong 8 người con của Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Phạm Văn Phu (tức Thiếu tướng Trần Tử Bình), ông Trần Kháng Chiến và ông Trần Kiến Quốc được cha mình kể nhiều câu chuyện về cuộc đấu tranh của công nhân Phú Riềng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây là Chi bộ Đảng ra đời đầu tiên của miền Đông Nam bộ vào ngày 28-10-1929, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự...

Ông Trần Kháng Chiến, con trai cả của Thiếu tướng Trần Tử Bình cho biết, lúc sinh thời, ông từng hỏi cha rằng: Đảng thành lập ngày 3-2-1930, sao cha lại được kết nạp vào Đảng năm 1929? Cha tôi giải thích rằng, lúc ấy ở Việt Nam có 3 tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn) và cha tôi được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng do đồng chí Ngô Gia Tự cử đồng chí Nguyễn Xuân Cừ lên Phú Riềng thành lập chi bộ vào ngày 28-10-1929.

2 người con của Thiếu tướng Trần Tử Bình lật lại những trang sách viết về cha mình

Người con trai thứ là Trần Kiến Quốc được cha kể lại rằng, sở dĩ khi đồng chí Nguyễn Xuân Cừ vào Đồn điền cao su Phú Riềng để lãnh đạo phong trào công nhân và “bắt mạch” với Phạm Văn Phu là vì ông là người hiểu biết hơn, có chữ hơn (từng học trường dòng Hoàng Nguyên - Hà Nam) và là chỗ dựa vững chắc của các cuộc đấu tranh nhỏ lẻ, tự phát trước đó. Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ dựa vào uy tín của Phạm Văn Phu để tiếp tục vận động các phu cao su ở đồn điền Phú Riềng.

Ngày 28-10-1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời tại Đồn điền cao su Phú Riềng với 6 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Cuối năm đó, đồng chí Phạm Văn Phu (tức Trần Tử Bình) thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Đầu năm 1930, nhân dịp tết Nguyên đán Canh Ngọ, một cuộc đấu tranh quyết liệt của gần 5.000 công nhân đã nổ ra, nhằm buộc bọn chủ Pháp phải thực hiện đúng các điều, khoản ghi trong bản hợp đồng mà chúng đã rêu rao khi mộ phu. Cuộc đấu tranh dẫn đến bạo động, bọn chủ Pháp hoảng sợ, kéo chạy về Sài Gòn.

Theo ông Trần Kháng Chiến, cuộc đấu tranh đó không phải tự phát mà đã được cha ông cùng những phu cao su chống Pháp chuẩn bị từ năm 27 đến năm 30 của thế kỷ trước và cũng không phải ngay một lúc mà thành lập được tổ chức Công hội Đỏ trong công nhân, Xích vệ Đỏ trong công nhân. Và cũng không phải thời điểm để tiến hành cuộc đấu tranh Phú Riềng Đỏ, mà phải có quá trình đấu tranh lâu dài. Qua đó chứng tỏ tổ chức Đảng đã đi sâu vào đội ngũ công nhân, lãnh đạo giai cấp công nhân và có những đường lối đúng đắn theo kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Ông Trần Kiến Quốc được cha cho biết, thời điểm bấy giờ, công tác tuyên truyền vận động được tăng cường thực hiện sau khi các đảng viên học tập về chủ nghĩa Mác-Lênin. Đặc biệt, sau khi nhiều tờ báo ra đời như Giải Thoát của Công hội Đỏ, tác dụng tuyên truyền vận động trong lao động, phu cao su rất có hiệu quả. Từ đó các phong trào đấu tranh nâng dần lên, từ tự phát sang tự giác. Có những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ đã giành được thắng lợi. Đó là những cuộc tập dợt để ngày 3-2-1930, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thông qua tổ chức Công hội Đỏ đã lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân Phú Riềng làm chủ đồn điền trong vòng 8 ngày.

Ông Trần Kiến Quốc cho biết, sau đó, cha ông cùng các đảng viên và số cán bộ nghiệp đoàn bị bắt đày ra Côn Đảo 6 năm. Đây chính là trường học cách mạng để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945...

Sinh thời, Thiếu tướng Trần Tử Bình hay nói với những người con của mình 3 mốc lịch sử mà đời ông luôn tự hào. Đó là cuộc nổi dậy năm 1930 tại Đồn điền cao su Phú Riềng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà ông là một trong những cốt cán trực tiếp lãnh đạo và mốc lịch sử thứ 3 là ngày 7-5-1954 - chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mặc dù Thiếu tướng Trần Tử Bình đã đi xa (ông mất ngày 12-2-1967), nhưng phẩm chất cách mạng và những dấu ấn của ông còn sống mãi với vùng đất Phú Riềng Đỏ - Bình Phước anh hùng.

Ông Trần Kiến Quốc cho biết thêm, người em út của ông là Trần Việt Trung đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người Công giáo Cộng sản”. Trong cuốn sách này, những khí phách của người cộng sản Trần Tử Bình được khắc họa một cách chân thật và sinh động, đặc biệt là giai đoạn ông sống và xây dựng phong trào cách mạng ở vùng đất anh hùng Bình Phước.

Trần Thể - Hồ Lê

Xem thêm: Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cuoc-noi-day-mua-xuan-nam-canh-ngo---1930-qua-loi-ke-cua-2-nguoi-con-thieu-tuong-tran-tu-binh-17389