Cuộc chiến logo: khi Chanel chẳng ngại cả Tòa án Tư pháp Tối cao Pháp!

Thương hiệu Chanel không xa lạ gì với giới sành hàng hiệu Việt Nam, với các dòng sản phẩm như thời trang cao cấp, quần áo may sẵn, phụ kiện, nữ trang và nước hoa. Năm 2022, Chanel có doanh thu 17,22 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,1% so với năm 2021.

Thành lập năm 1909, Chanel là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang. Biểu tượng của Chanel – logo với hai chữ C lồng ngược vào nhau được tạo ra vào năm 1925, và không thay đổi đến giờ. Hai chữ C màu đen đơn giản, vốn là hai chữ cái tên của người sáng lập – Coco Chanel (tên thật là Gabrielle Chanel), là biểu tượng của sự thanh lịch, tinh tế đặc trưng cho văn hóa Pháp. Logo này cũng là một trong hai biểu tượng bị nhái nhiều nhất trong thế giới hàng giả, bên cạnh Louis Vuitton. Vì thế, cũng không có gì khó hiểu nếu như Chanel luôn theo dõi và không bỏ qua bất cứ hành vi nhái, hay ăn theo logo nổi tiếng của mình.

Trong “thế giới” tài sản trí tuệ, logo – biểu tượng bằng chữ, hoặc hình ảnh để nhận diện một doanh nghiệp – có thể được đăng ký bảo hộ như nhãn hiệu, hoặc như thiết kế công nghiệp. Việc đăng ký bảo hộ này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính khác biệt của logo, giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu, duy trì lòng trung thành của khách hàng, giúp thương hiệu cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ khác.

Tất nhiên, logo hình hai chữ C lồng ngược vào nhau của Chanel là một nhãn hiệu được bảo hộ. Nhãn hiệu này được đăng ký tại Pháp, châu Âu cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nếu như logo của Chanel nổi tiếng trên toàn thế giới, thì ít người biết rằng logo của Tòa án Tư pháp Tối cao của nước cộng hòa Pháp (còn gọi là Tòa Phá án – Cour de Cassation) cũng là… hai chữ C lồng ngược. Tòa án này của Pháp được thành lập năm 1790 với nhiệm vụ đảm bảo diễn giải luật một cách thống nhất trên toàn nước Pháp. Năm 1804, tòa án này được Hoàng đế Bonaparte đặt tên là “Tòa Phá án”.

Tòa án này của Pháp và Chanel không hề là “đối thủ cạnh tranh”. Vì thế, câu hỏi về sự trùng hợp giữa logo của Chanel và logo của tòa không mấy khi được đặt ra. Chỉ vào năm 2000, Chanel mới gửi thư cho tòa án này… than phiền. Theo Chanel, hai logo này quá giống nhau, và vì thế sẽ gây ra tổn hại cho thương hiệu Chanel. Phản ứng của tòa án này làm nhiều người ngạc nhiên. Đại diện của tòa án có trả lời thỉnh cầu của Chanel rằng logo của tòa đang được xem xét để cải tiến. Kết quả là từ giữa năm 2023, logo mới của tòa đã xuất hiện. Vẫn là hai chữ C lồng ngược vào nhau, nhưng giờ đây hai chữ C được viết lại theo phông chữ Gothics (một loại phông chữ nét gãy, dựa trên thư pháp thời trung cổ ở châu Âu), tạo khá nhiều sự khác biệt so với logo của Chanel. Giờ đây người ta chỉ có thể nhìn thấy logo cũ của Tòa án Tư pháp Tối cao trên các văn bản cổ, hay trên gỗ lát tường ở trụ sở tòa án.

Không phải lần nào Chanel cũng “gặp may mắn” như thế. Cách đây không lâu, thương hiệu này đã yêu cầu Cơ quan Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu của Huawei, một trong những thương hiệu giá trị nhất của Trung Quốc – vì logo Huawei đăng ký năm 2017 là hình hai nửa vòng tròn lồng vào nhau tạo thành chữ H. Theo Chanel, logo hình chữ H này quá giống với logo hai chữ C của Chanel. Cơ quan này, ngược lại, vào năm 2019 đã bác bỏ yêu cầu của Chanel, kết luận rằng hai biểu tượng không có sự tương tự nào, và người tiêu dùng hoàn toàn có thể phân biệt được hai nhãn hiệu. Chanel không mấy hài lòng với quyết định này và đã đưa tranh chấp ra Tòa án Liên minh châu Âu. Năm 2021, Tòa án Liên minh châu Âu cũng bác bỏ yêu cầu của Chanel, cho rằng nếu như hai logo có một số điểm chung, thì tồn tại nhiều chi tiết khác nhau đặc biệt quan trọng. Ví dụ như theo tòa án này thì “những nét chữ trong logo của Chanel tròn trịa hơn, đầy đặn hơn, và theo chiều ngang”. Trong khi đó, logo của Huawei nét mảnh và “theo chiều dọc”. Tới giờ, chúng ta chưa thấy Chanel phản đối quyết định này tại tòa án cấp cao hơn của Liên minh châu Âu.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chien-logo-khi-chanel-chang-ngai-ca-toa-an-tu-phap-toi-cao-phap/