Công ty mất điện, nhân viên chạy deadline với 4G

Khi văn phòng mất điện, nhiều nhân viên loay hoay ứng phó. Nhiều người mang theo quạt giấy, quạt pin, mua thêm bộ phát Wi-Fi, một số khác di chuyển đến quán cà phê tránh nóng.

Tình trạng mất điện tại nhiều văn phòng khiến nhân viên quyết định chuyển đổi địa điểm làm việc. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Mất điện rồi”, một đồng nghiệp của Thùy Trang (25 tuổi, làm việc tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) hô to khi toàn bộ đèn chiếu sáng, hệ thống máy tính đột ngột tắt.

Không khí trong văn phòng hơn 100 m2 tại quận Cầu Giấy trở nên nhốn nháo. Tiếng than vãn bắt đầu xuất hiện khi nhiệt độ tăng dần do điều hòa tạm dừng hoạt động.

Lần đầu mất điện, Thùy Trang và đồng nghiệp chưa kịp chuẩn bị quạt, nước uống giải khát, đành chịu nóng chờ đợi, hi vọng thời gian cắt điện không kéo dài. Trong khi đó, công ty cô chỉ có nguồn điện dự phòng liên tục tại khu vực phòng máy chủ. Phòng hành chính nhân sự vội vã gọi điện cho quản lý tòa nhà hỏi về sự cố.

“Tôi như ‘ngồi trên đống lửa’ khi mất điện, phần vì nóng bức, phần vì lo lắng các đầu việc chưa hoàn thành, sắp đến deadline”, Thùy Trang giải thích.

Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn thành phố tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh và tháng 5 là 75.406 triệu kWh. Như vậy, bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4.

“Nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp”, công ty điện lực cho biết.

Thời gian gần đây, một số khu vực tại Hà Nội bị cắt điện trong bối cảnh nắng nóng. Bị cắt điện khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân gặp ảnh hưởng.

Nhiều nhân sự loay hoay tìm cách đối phó với tình trạng văn phòng mất điện trong mùa hè. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cúp điện, nhưng không thể cúp làm

14h, Hoàng Hà (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình khi cuộc họp online cùng đối tác đột ngột ngừng giữa chừng. Lo ngại việc biến mất không lý do giữa buổi trao đổi sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín cá nhân và công ty, anh nhanh chóng đăng ký dịch vụ 4G, nhắn tin xin lỗi và mong khách hàng thông cảm.

Tình trạng mất điện tại văn phòng trong khoảng 1-2 tuần gần đây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của Hà. Anh và một số đồng nghiệp phải dặn nhau chuẩn bị sẵn quạt chạy bằng USB, quạt pin.

Tuy nhiên, không chỉ phải giải tỏa cơn nóng, Hoàng Hà còn cần hoàn thành công việc đúng hạn. Mọi số liệu đều được lưu trữ online, nhiều lần anh tá hỏa khi điện bị cắt trước deadline 30 phút.

Hà gợi ý một số đồng nghiệp cùng góp tiền mua ổ phát Wi-Fi di động để đảm bảo tiến độ dự án không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến đối tác, khách hàng. Song, không phải ai cũng sẵn sàng chi tiền.

“Nếu mua và sử dụng một mình, tôi không đủ khả năng chi trả 100.000-200.000 đồng/ngày. Nhưng nếu không có nguồn phát mạng, tôi khó hoàn thành công việc với mạng 4G từ điện thoại. Mặc dù sếp có thể thông cảm, khách hàng khó chấp nhận lý do mất điện”, Hoàng Hà nói.

Nhân sự trong văn phòng Hoàng Hà sử dụng các thiết bị quạt pin, quạt giấy đề phòng trường hợp mất điện.

Đồng cảnh ngộ với Hoàng Hà, Ngọc Trâm (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng loay hoay đối phó với tình trạng văn phòng công ty bị cắt điện trong nửa tháng nay. Theo Trâm, trụ sở doanh nghiệp cô được đặt ở khu vực đông dân cư, thường xuyên nhận thông báo mất điện.

Văn phòng của Trâm khá kín, thiếu nguồn sáng tự nhiên, khó đảm bảo môi trường làm việc cho nhân sự nếu hệ thống đèn dừng hoạt động. Ngoài ra, dịch vụ thang máy cũng không được cung cấp trong tình huống mất điện.

Để ứng phó tạm thời, khi nhận lịch cắt điện từ trước, công ty cô đưa ra phương án cho phép toàn bộ nhân viên làm việc từ xa.

Ngọc Trâm phải di chuyển đến quán cà phê cùng đồng nghiệp để làm việc nhóm nếu văn phòng mất điện.

“Chúng tôi không có quy trình làm việc online cụ thể. Khi ai về nhà nấy, chất lượng dự án chung khó có thể đảm bảo”, Trâm cho biết.

Vài phòng ban, đội nhóm đưa ra quyết định chọn một quán cà phê hoặc co-working space ở khu vực khác để làm việc.

Chi phí phát sinh cũng là vấn đề khiến Trâm và đồng nghiệp bận tâm. Mỗi người phải chi trả thêm ít nhất 50.000-80.000 đồng/đồ uống. Nếu ngồi lâu hơn 4 tiếng đồng hồ, họ cần gọi thêm món, bấm bụng bỏ ra gần 200.000 đồng/ngày để thuê địa điểm làm việc.

“Số tiền này công ty không chi trả vì quyết định tìm nơi làm việc khác thuộc về nhân sự”, Ngọc Trâm nói.

Quản lý nỗ lực hỗ trợ

Trước tình trạng văn phòng mất điện trong mùa hè, Minh Đức (31 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), trưởng phòng kinh doanh, thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nhân sự. Anh linh động lịch chấm công, đổi deadline các đầu việc, thay mặt nhân viên chịu trách nhiệm với đối tác.

Đối với trường hợp mất điện trong khoảng 20-30 phút, Minh Đức khuyên thành viên trong phòng chờ đợi, tranh thủ giải quyết các đầu việc offline, tránh di chuyển trong thời tiết nắng nóng. Việc đến quán cà phê hoặc về nhà ngay vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức, chi phí.

Sau khi đợi hơn 30 phút, nếu văn phòng vẫn không có điện, Đức cho phép toàn bộ nhân viên ra về và làm việc từ xa.

Theo Đức, hiện tại, doanh nghiệp chưa có chính sách hỗ trợ các khoản chi phí phát sinh do mất điện cho nhân sự. Song, anh quyết định sử dụng quỹ phòng vào dịp này, đồng thời hỗ trợ 50% tiền nước giải khát, di chuyển địa điểm làm việc của nhân viên.

“Vừa nóng, vừa tốn thời gian, lại không giải quyết được công việc, các bạn dễ khó chịu, bất bình với chính sách đãi ngộ của công ty. Tôi hiểu tâm lý này nên nỗ lực hỗ trợ trong khả năng”, Minh Đức nói.

Mai Nguyễn chấp nhận hiệu suất công việc giảm sút, tránh gây áp lực cho bản thân và nhân viên.

Tương tự Minh Đức, Mai Nguyễn (27 tuổi, quận 8, TP.HCM), trưởng phòng thiết kế phần mềm, cũng tìm cách trợ giúp nhân sự đối phó với vấn đề mất điện tại văn phòng.

Do đặc thù của lĩnh vực công nghệ, một số dữ liệu, tài liệu mật phải lưu trữ trong hệ thống máy tính công ty, khiến nhân viên không thể làm việc tại nhà hoặc quán cà phê.

Mai nhanh chóng đề xuất lãnh đạo mua máy phát điện, song chưa nhận được phản hồi. Chi phí dành cho máy phát tương đối lớn, lại không được dùng nhiều lần, khiến lãnh đạo phải cân nhắc trước khi đầu tư.

Trong thời gian chờ đợi quyết định của ban giám đốc, cô khuyên các thành viên trong phòng giải quyết toàn bộ đầu việc sử dụng dữ liệu trong hệ thống máy chủ trong những ngày có nguồn cung ứng điện đầy đủ. Vào ngày mất điện, nhân sự chỉ cần hoàn thiện các phần việc còn lại, tránh để dự án ngưng đọng.

Dù đưa ra hướng giải quyết cho đội nhóm, song Mai Nguyễn tự xác định rằng hiệu quả công việc khó có thể đảm bảo trong tình huống này. Cô cũng không có kinh nghiệm quản lý đội nhóm từ xa, nên tất yếu gặp khó khi để nhân sự work from home.

“Tôi dự đoán rằng hiệu suất công việc chỉ có thể đạt 70-80%, vì thế cố gắng không tạo áp lực cho bản thân và nhân viên, hi vọng tình trạng mất điện không xảy ra nhiều”, Mai cho biết.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-mat-dien-nhan-vien-chay-deadline-voi-4g-post1437622.html