Công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan nhà nước

Ngày 17/4, Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị, có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ, chủ trì hội nghị. Cùng dự, có các đồng chí lãnh đạo đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đại diện lãnh đạo, công chức các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Nội vụ, công chức của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân

Năm 2023, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi cả nước (SIPAS 2023)

Theo kết quả đo lường, người dân quan tâm đến các chính sách ở mức khá cao, nằm trong khoảng từ 76,06% - 81,19%, trong đó, chính sách điện sinh hoạt và chính sách trật tự, an toàn xã hội là hai chính sách được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng có một số người dân không quan tâm đến các chính sách được đánh giá, chiếm tỷ lệ từ 1,73% - 4,42% số người được khảo sát.

Kênh thông tin mà người dân sử dụng nhiều nhất để tiếp cận thông tin chính sách là qua đài, ti-vi, báo chí, với tỷ lệ người dân được khảo sát sử dụng kênh này là 48,16%, tiếp đến và chênh lệch không đáng kể là qua hội, họp, sinh hoạt, thông báo tại khu dân cư, với 47,55%. Tỷ lệ người dân sử dụng kênh thông tin để tiếp cận chính sách ở 63 tỉnh, thành phố có sự chênh lệch rất lớn, với mức chênh lệch từ khoảng 62,91% - 80,65%, trong đó kênh thông tin loa phát thanh xã, phường có sự chênh lệch lớn nhất.

Mức độ người dân sẵn sàng tham gia góp ý chính sách chưa cao. Trong số người dân được khảo sát trong cả nước, 42,78% sẵn sàng tham gia góp ý chính sách nhưng chỉ có 5,95% sẵn sàng góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến qua mạng internet. Trong 63 tỉnh, thành phố, tỉnh/thành phố có tỷ lệ người dân sẵn sàng góp ý chính sách theo hình thức trực tuyến qua mạng internet cao nhất cũng chỉ là 16,76% và tỉnh/thành phố có tỷ lệ thấp nhất là 1,08%.

Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90,00% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.

Nhìn nhận về chất lượng phục vụ của công chức, 88,88% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 90,00% cho rằng không có người dân nào phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết.

Người dân được khảo sát trong cả nước hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung ở mức 82,49%, tăng so với năm 2022 (79,72%). Trong đó, mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách là 81,93%; đối với cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 81,83%; đối với chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền là 82,49%; đối với kết quả, tác động của chính sách là 82,74%.

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,14% - 90,47%. Năm tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Lào Cai; năm tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Long An.

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung là 82,90%, tăng so với năm 2022 (80,43%). Trong đó, đối với tiếp cận dịch vụ là 83,00%; thủ tục hành chính là 83,02%; công chức là 83,12%; kết quả dịch vụ là 83,03%; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân là 82,27%.

Mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 74,87% - 93,16%. Năm tỉnh cao nhất là: Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Tĩnh và Hưng Yên; năm tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Bắc Ninh và Nam Định.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%), ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%. Năm tỉnh, thành phố cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; năm tỉnh thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.

Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44% - 85,12%, trong đó ba nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân với 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11% và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.

Cải cách thủ tục hành chính đang bị chậm lại

Tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023).

Theo đó, năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ có hai nhóm điểm: Đạt hơn 80%, bao gồm 14 đơn vị: Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đạt kết quả dưới 80% có ba đơn vị là: Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.

Giá trị trung bình chỉ số của 17 bộ, cơ quan ngang bộ là 84.38%, tăng 0,33% so với năm 2022. 10/17 bộ có chỉ số trên mức giá trị trung bình. Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số, đạt 89.95%; Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả chỉ số đạt 78.03%, thấp hơn 11.92% so với đơn vị dẫn đầu là Bộ Tư pháp. Có 10/17 đơn vị có chỉ số tăng cao hơn so với năm 2022, tăng cao nhất là Bộ Ngoại giao (+5.83%). Trong bảy bộ có kết quả chỉ số giảm hơn so với năm 2022, giảm nhiều nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (-5.31%).

Phân tích bảy chỉ số cải cách hành chính thành phần cho thấy, có 4/7 chỉ số có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2022, bao gồm: “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính”; “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước”; “Cải cách chế độ công vụ” và “Cải cách tài chính công”. Ba chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2022, đó là: “Cải cách thể chế”; “Cải cách thủ tục hành chính” và “Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số”.

Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các tỉnh, thành phố cho thấy các địa phương đạt được là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đánh giá, chỉ số của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86.98%, cao hơn 2.19% so với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có chỉ số của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả chỉ số trên 80%. Cùng với đó, 32/63 địa phương đạt kết quả cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có chỉ số tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9.39%, tăng thấp nhất là 0.03%.

Theo đánh giá, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số với kết quả đạt 92.18%; xếp vị trí thứ 2 là thành phố Hải Phòng, đạt 91.87%. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính như: Hà Nội đạt 91.43%, xếp thứ 3; Bắc Giang đạt 91.16% xếp thứ 4 và Bà Rịa-Vũng Tàu, đạt 91.03% xếp thứ 5.

Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81.32%. Qua đánh giá, năm 2023 tỉnh An Giang có một số nội dung cải cách còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chậm công bố, công khai thủ tục hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; còn khá nhiều nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 nhưng tỉnh An Giang chưa hoàn thành hoặc hoàn thành muộn so với quy định,... Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả chỉ số năm 2023 khá thấp là Sóc Trăng, đạt 81.70%, xếp thứ 62/63; Bình Thuận, đạt 81.87%, xếp vị trí thứ 61/63.

Năm 2023, có 7/8 chỉ số thành phần tăng điểm và 1/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số”, với mức tăng 6.60%; Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm so với 2022 là “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”, với mức giảm 1.29%.

So sánh kết quả chỉ số cải cách hành chính giữa 6 vùng kinh tế-xã hội cho thấy, năm 2023, 6/6 vùng kinh tế-xã hội đều có giá trị trung bình đạt trên 80% và đều tăng trưởng cao hơn so với năm 2022. Giá trị trung bình cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng với kết quả đạt 88.33%, cao hơn 1.71% so với năm 2022 (86.62%); xếp vị trí thứ 2 là vùng Đông Nam Bộ, đạt 87.79%, cao hơn 3.05% so với năm 2022 (84.74%), đây cũng là vùng có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng trưởng cao nhất.

Tiếp theo là vùng trung du miền núi phía bắc, đạt 87.72%, cao hơn 2.72% so với năm 2022 (85.00%). Xếp vị trí thứ 4 là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, đạt 86.82%, cao hơn 2.57% so với năm 2022 (84.25%). Hai vùng còn lại có cùng giá trị trung bình đạt 85.42% là vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.

Đánh giá chung cho thấy mặc dù kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương được cải thiện tích cực, song một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho kết quả đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và có sự phân hóa rõ rệt giữa các bộ, địa phương trong việc triển khai các nội dung cải cách cụ thể.

Qua đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-bo-chi-so-hai-long-ve-su-phuc-vu-cua-co-quan-nha-nuoc-post805149.html