Con sẽ về nhà - sau tết

Những ngày cuối cùng của năm, nhiệt độ bỗng chốc giảm dần. Ngoài đường, phố xá đã bắt đầu tấp nập, trên những khóm trúc, khóm mai, màu sắc cũng thoáng đã đậm dần. Khắp nơi người người nô nức, tất cả như muốn báo hiệu với chúng tôi rằng: Một mùa xuân nữa lại về.

Bất giác ánh mắt tôi lại vô tình đảo quanh nơi đây rồi dừng lại trước một cậu đồng nghiệp vừa mới ra trường không bao lâu, tay phải cậu ấy siết chặt điện thoại mà ánh mắt thoáng buồn. Có lẽ tôi hiểu phần nào tâm trạng của cậu ấy bởi sáng nay tôi cũng nhận được một cuộc gọi tương tự: “Tết này con có về không? Mẹ chuẩn bị đủ hết những món con thích rồi”. Tôi cúi đầu nén lại những dòng cảm xúc ngổn ngang nơi ngực trái, một lúc lâu sau mới đáp lại được một câu: “Con xin lỗi nhưng chắc không được rồi mẹ ạ! Thời điểm này…”. Nhưng làm gì thì cũng phải giữ sức khỏe nhé! Mẹ tự hào về con.” Cổ họng tôi nghẹn lại, chẳng thốt ra được bất kì một lời nào nữa, cứ như thế mà để mặc cho sống mũi đọng lại hương vị cay cay bởi… hai chữ “năm tới” này, mẹ tôi đã chờ rất lâu rồi…

Nhưng biết làm sao được? Khi Tổ quốc cần, chúng tôi chẳng thế nào đứng yên. Ngày tôi khoác lên mình sắc áo cỏ úa cũng là ngày tôi nguyện với lòng hiến dâng tuổi trẻ và linh hồn mình cho quê hương, cho đất nước. Với chúng tôi đây chính là trách nhiệm nhưng cũng đồng thời là vinh dự của tất cả. Tuy nhiên, những cảm xúc kì lạ vẫn thay nhau ngự trị trong trái tim, chúng tôi cũng nhớ nhà! Có những lần làm nhiệm vụ giữ yên phố xá ngày cận tết mà trong lòng ai cũng có chút bần thần xót xa, dù chúng tôi chẳng ai nói ra nhưng ai nấy cũng hiểu và đồng cảm sâu sắc với nhau.

Tôi vẫn thường nghe người ta bảo nhau rằng mùa xuân là mùa của đoàn viên, mùa của những người con xa xứ trở về quê nhà, của gia đình sum họp. Nhưng có lẽ với những gia đình có những cán bộ, chiến sĩ công an như chúng tôi thì lại trái ngược hoàn toàn, hơn ai hết tôi hiểu gia đình chúng tôi chờ mong ngày tết như thế nào hay chính xác hơn chỉ là một ước nguyện nhỏ nhoi được cùng chúng tôi ăn một bữa cơm, cùng nhau đón giao thừa. Khát vọng tưởng chừng giản đơn ấy nhưng đâu ai ngờ rằng lại trở nên xa xỉ đến thế?

Những đêm hai mươi mấy tết dài và lạnh, tôi và đồng đội cùng nhau kể chuyện đời, chuyện người để thời gian trôi qua nhanh hơn. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời rồi cuối cùng cũng nhắc về gia đình, về người thân mà lòng nặng trĩu dù chẳng nói ra. Trong đêm tối, tôi bất chợt nhận ra trong tâm trí của chúng tôi vẫn luôn tồn tại khao khát mong muốn được trở về, cùng gia đình đón tết. Rồi không khí đột nhiên lại trầm lắng đến đáng sợ. Vậy là cả nhóm tự dưng ngồi sát lại gần nhau hơn, trao cho nhau một chút ấm áp bằng những lần vỗ vai, những lần bắt tay. Truyền cho nhau một chút hơi ấm, thắp cháy lên ngọn lửa lòng của sự cảm thông. Hóa ra hai tiếng "đồng chí" mà chúng tôi gọi nhau lại đẹp đến nao lòng!

Đêm giao thừa đến trong sự ngỡ ngàng của tôi, nhanh đến độ tôi còn chưa kịp chuẩn bị gì thì anh đồng chí bảo với tôi rằng hôm này là tất niên thì tôi mới biết ngày. À mà, chúng tôi cũng có cần chuẩn bị gì nhiều nữa đâu chứ? Chỉ có áo mũ chỉnh tề như ngày thường mà làm nhiệm vụ của mình mà thôi. Ngày cuối cùng của năm cũ, lượng người dân ra đường vui chơi cũng nhiều hơn những ngày trước đây, thế nên công việc của chúng tôi cũng nhiều hơn một chút. Loay hoay mãi chẳng bao lâu thì màn đêm đã vội buông xuống, không kịp để chúng tôi "nghĩ" và "nhớ". Tôi tranh thủ một phút nào đó mà ngước nhìn lên bầu trời đêm giao thừa rồi lại nhìn đến cảnh tượng đông người trước mắt như thế này, lòng cứ phức tạp không thôi. Phần vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, phần vì tình hình thế này lại rất thuận tiện cho các đối tượng thực hiện ý đồ, phần vì… đêm nay là đêm giao thừa! Chúng tôi nhìn nhau cười động viên, ai cũng hiểu những suy nghĩ của nhau mặc dù chẳng ai nói nên lời. Ở một nơi nào đấy trên đường phố, lá cờ Đảng vẫn hiên ngang bay phấp phới trong đêm như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi cùng nhau cố gắng, vượt qua những cảm xúc của mình.

Chúng tôi sẽ nhớ nhà nhưng không buồn, bởi bên cạnh tôi vẫn còn có đồng đội, còn có những tình cảm trân quý như hai chữ "gia đình". Thật may mắn vì tâm trí của chúng tôi vẫn luôn hiểu rằng: Được mang một chút sức trẻ cống hiến cho quê hương là vinh dự của chúng tôi - những người Chiến sĩ Công an Nhân dân.

NGUYỄN THÁI THỊNH

Công an huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-se-ve-nha-sau-tet-post723399.html